Các cơ quan chủ quản đã đưa ra 5 phương án về tăng giá điện, song chỉ có hai phương án sẽ được trình Chính phủ xem xét, cân nhắc và quyết định trong hôm nay, 14-2.
Cân nhắc hai phương án
Một quan chức của Bộ Công Thương cho biết, trong 5 phương án giá điện mà đề án giá điện trình lên Chính phủ có hai phương án tăng giá điện đang được cân nhắc. Bộ Công Thương đã đề xuất phương án giá điện sẽ tăng lên khoảng 18% và một phương án của Bộ Tài chính đề xuất là giá điện sẽ tăng 11%.
Theo quan chức này, giá điện tăng lên 18% có thể được đánh giá là sẽ được Chính phủ thông qua. Như vậy, giá điện sẽ tăng lên khoảng một trăm sáu mấy đồng một kWh.
Trước đó, Thủ tướng đã có công điện khẩn yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường. Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt phương án giá điện năm 2011 để thực hiện từ tháng 3-2011.
Như vậy, trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm, giá điện bình quân đều được điều chỉnh tăng, song đều thấp dưới 10%. Các mốc thời gian áp dụng giá điện mới đều tính từ ngày 1-3 hàng năm.
Tháng 3-2010, giá bán lẻ điện đã có một đợt điều chỉnh. Theo đó, giá bán điện sinh hoạt tăng bình quân 6,8% so với năm 2009 và lên mức 1.037 đồng/kWh. Mức tăng này được xây dựng trên cơ sở giá than năm 2010. Trong đó, than cám loại 5 tăng 28%, từ 405.500 đồng lên 520.000 đồng một tấn và than cám loại 4B từ 442.000 đồng lên 648.000 đồng một tấn, tăng 47%.
Theo Bộ Công Thương, mức tăng giá điện lên 18% mà Bộ này đề xuất của năm nay đã được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Chính phủ cũng đã yêu cầu việc tăng giá điện sẽ phải đi kèm với các chính sách hỗ trợ người nghèo, kiềm chế lạm phát...
Hy vọng vào “trung gian sáng suốt”
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng, mức tăng giá điện nếu được thông qua là 18% sẽ là cao với người tiêu dùng, song chưa thể đáp ứng yêu cầu của ngành điện. Bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất mức giá điện tăng tới 32%; thậm chí nếu so với đề xuất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam là 50% thì mức tăng này còn "thấp xa".
Tuy nhiên, việc tăng giá điện bao nhiêu là dựa vào "quan hệ mua bán" của ngành điện với đối tượng sử dụng điện và ngành điện hiện nay còn đang ở vị thế độc quyền. Cho nên Chính phủ sẽ phải là "trung gian sáng suốt" để quyết định mức tăng sao cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước và hài hòa với lợi ích của người dân.
Do vậy, dù giá điện tăng 11% hay 18% cũng sẽ góp phần nâng giá mạnh các mặt hàng tới đây. Bởi tăng giá điện sẽ kéo theo giá nước, sắt thép, xi măng, dệt may... tăng lên bởi chi phí dùng điện của các ngành này rất lớn.
"Tôi lo việc nâng giá điện tới đây sẽ còn đi kèm với tình trạng cắt điện tràn lan bởi năm nay dự báo chúng ta thiếu tới 3 tỷ kWh điện. Nếu tình trạng cắt điện trầm trọng xảy ra đi kèm với tăng giá điện sẽ càng gây khó khăn cho nền kinh tế và ngành điện càng khó giải thích với người dân" - ông Doanh nói.
( Dân Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com