Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xây dựng cơ bản ngành giao thông vận tải : Giải phóng mặt bằng vẫn là trở lực

Năm 2009, xây dựng cơ bản ngành GTVT đạt kỷ lục về khối lượng cũng như giải ngân vốn. Tuy nhiên, công tác đền bù, GPMB vẫn là trở lực lớn ảnh hưởng đến kết quả đầu tư chung.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tập trung tháo gỡ  vướng mắc GPMB trong đầu tư XDCB ngành giao thông - Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 24/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước các công trình giao thông vận tải trọng điểm, đánh giá tình hình triển khai các dự án cũng như kết quả chung của toàn ngành GTVT.

Giải phóng mặt bằng – mảng tối trong bức tranh màu sáng

Năm 2009 có nhiều chuyển biến rất tích cực trong công tác đầu tư XDCB ngành giao thông vận tải với các chỉ tiêu đều vượt mức kế hoạch. Tính đến hết tháng 11, nguồn vốn NSNN thực hiện 6.175,4/5.008 tỷ đồng, đạt 123,3% kế hoạch, giải ngân 7.024 tỷ đồng, đạt 140,3%. Các dự án ODA thực hiện 4.376,4/2.815 tỷ đồng, đạt 155,5%, giải ngân 5.278,3 tỷ đồng, đạt 187,5% kế hoạch.

Các dự án vốn Trái phiếu Chính phủ giao kế hoạch 10.000 tỷ đồng, thực hiện 11.209,5 tỷ, đạt 112%, giải ngân 10.739,3 tỷ đồng, đạt 107,3%. Nguồn ngoài ngân sách và các dự án BOT đạt khá, thực hiện đạt 8.566,6 tỷ đồng, giải ngân 6.457,5 tỷ đồng.

Năm 2009, nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đáp ứng nhu cầu cấp bách về hạ tầng giao thông của nền kinh tế được triển khai, như Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, mở rộng Quốc lộ 51, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cảng Vân Phong, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và tới đây sẽ khởi công dự án xây dựng luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu. Một số dự án quy mô đi vào giai đoạn hoàn thành như đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cầu Thanh Trì, cầu Cần Thơ,…

Tuy nhiên, trong toàn cảnh bức tranh màu sáng đó vẫn có những mảng tối. Đó là tại nhiều các dự án giao thông vẫn tồn tại tình trạng chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác GPMB, năng lực chủ thể tham gia xây dựng còn hạn chế và có nhiều tình huống phát sinh chưa lường được trong công tác quản lý, triển khai dự án.

Kiểm điểm từng dự án đều có những “điểm đen” tồn tại dai dẳng: Nút giao Xuân Mai của Dự án đường Hồ Chí Minh, hơn 3km đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nút Hòa Lạc của Dự án mở rộng đường Láng – Hòa Lạc, đoạn An Phú trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, mặt bằng của Nhà ga T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài,…

Trong cơ cấu giải ngân chung đạt cao, song giải ngân vốn cho công tác đền bù GPMB, tái định cư ở hầu hết các dự án đều đạt thấp, nhiều dự án chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch .

Tìm cách tháo gỡ tổng thể

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác XDCB của ngành giao thông vận tải năm 2009 . Đặc biệt là kết quả thực hiện cũng như việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.

Đối với những vấn đề tồn tại chung, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát lại các cơ chế phân cấp quản lý đầu tư xây dựng, rà soát kết quả giải ngân, quản lý giám sát về chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác GPMB.

Đối với những vấn đề nổi cộm, Ban Chỉ đạo tiếp tục các đợt kiểm tra hiện trường và làm việc với ban quản lý một số dự án trọng điểm để xử lý hiệu quả các vướng mắc, nhất là những vướng mắc đang có nguy cơ dẫn đến khiếu kiện và đình trệ dự án.

“Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo không chỉ là đôn đốc các dự án, mà cần thiết hơn là tìm ra và tháo gỡ một cách tổng thể các vướng mắc, bằng cơ chế chung”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 Phó Thủ tướng cũng kiểm điểm tình hình cụ thể từng dự án, chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn tại tập trung vào cơ cấu vốn, thu hồi đất và thúc đẩy giải ngân  ở các khâu trọng điểm.

 

(Theo Nguyên Linh // Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi