Nhìn lại tình hình kinh tế của cả nước, quý I, GDP tăng 5,83% so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn mức tăng 6,9% của quý IV-2009. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,65%; nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,45%; lĩnh vực dịch vụ tăng 6,64%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 17,5 tỷ USD, tăng 37,6%; tỷ lệ nhập siêu 25%, tăng so với hai tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,75% so với tháng trước, tăng 4,12% so với tháng 12-2009, tăng 9,46% so với cùng kỳ; bình quân quý I tăng 8,51% so với cùng kỳ. Ðây là tín hiệu vui cho thấy nền kinh tế nước ta đang có sự ổn định và tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới và khu vực, CPI vẫn giữ ở mức rất thấp, một số nền kinh tế lớn từ 2,1% đến 2,7%.
Mặc dù kinh tế nước ta có tăng trưởng khá, nhưng cũng bộc lộ chưa ổn định, vững chắc. Một số lĩnh vực chưa có sự đổi mới, tính cạnh tranh chưa cao, chưa theo kịp diễn biến của thực tiễn. Ðầu tư xã hội có mặt còn hạn chế, chưa hiệu quả, ảnh hưởng vòng quay của vốn và tính thanh khoản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế chậm khắc phục, điều chỉnh, nên nhiều năm vẫn nhập siêu cao. Nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, trình độ quản trị hạn chế, giá thành cao. Công tác dự báo, phân tích và điều hành có những lúng túng trước những diễn biến phức tạp của thị trường. Một bộ phận tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh có biểu hiện trục lợi làm cho tình hình giá cả, thị trường thêm phức tạp, khó kiểm soát... Tất cả những vấn đề đó tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.
Ðể thực hiện đạt những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010, có bước tăng trưởng ổn định và bền vững, cần tăng cường kiểm soát, điều hành linh hoạt nền kinh tế, nâng cao tính đồng thuận xã hội. Cùng với việc thực hiện các chính sách về tài khóa, tiền tệ, để ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao tái diễn, phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, bảo đảm đúng tiến độ, phát huy hiệu quả. Kiểm soát tín dụng ngân hàng, chấn chỉnh hệ thống, nâng cao chất lượng, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả. Qua đó nâng cao tính thanh khoản và duy trì tài chính lành mạnh. Ðiều chỉnh cơ cấu đầu tư xã hội, huy động các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị để hoạt động hiệu quả, góp phần giữ ổn định giá cả, thị trường, bảo đảm hiệu quả của nền kinh tế. Tăng cường kiểm soát nhập khẩu, kiên quyết không cho nhập hàng tiêu dùng xa xỉ. Tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị để sản xuất hàng xuất khẩu, hoặc hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước. Cần thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, nói rõ khó khăn, giải pháp, trách nhiệm và quyết tâm để tạo đồng thuận xã hội, thống nhất, để vượt qua thách thức của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với ổn định xã hội.
(Theo MẠNH AN // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com