Hôm qua (18.8), cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công thương tiếp tục tổ chức một hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD). Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn tiến sĩ Lê Hồng Hạnh, viện trưởng viện Khoa học pháp lý, bộ Tư pháp, người có những ý kiến góp ý đáng chú ý nhất tại hội thảo này.
![]() |
Gần đây các vụ việc xâm phạm đến lợi ích, sức khoẻ (NTD) ngày càng nhiều với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhưng vì sao hầu như chưa có vụ nào mà NTD có thể trực tiếp đứng ra khởi kiện doanh nghiệp (DN), thưa ông?
Vụ việc nước tương 3-MCPD chẳng hạn, khó vì không thể chứng minh được người bị thiệt hại, lợi ích người đó bị xâm hại. Nhưng người ta chứng minh được sản phẩm đó có chứa chất gây nguy hại cho NTD thì DN, tổ chức có sản phẩm cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Do đó, dự án luật Bảo vệ NTD phải nêu rõ được trách nhiệm của nhà sản xuất, người bán hàng hoá và trách nhiệm đó phải được giám sát.
Ở Mỹ chẳng hạn, cứ đưa sản phẩm ra thị trường thì toà án đương nhiên coi là anh đã khẳng định sản phẩm đó đủ tiêu chuẩn và không độc đối với NTD. Còn nếu người ta chứng minh là nó độc thì DN đã phải có trách nhiệm bồi thường NTD cho dù chưa cần chứng minh thiệt hại.
Đã có những ý kiến góp ý là dự thảo luật Bảo vệ NTD hiện nay là còn quá dàn trải nhưng lại thiếu cụ thể. Ông nhận thấy dự luật này có nên giới hạn trong phạm vi nào không?
Tôi cho rằng, dự luật nên tập trung vào những sản phẩm hữu hình là tốt nhất là vì những dịch vụ khác là chưa cần thiết lắm. Xét vào khía cạnh nào đó là DN cũng là NTD, họ cũng có thể mua nhầm sản phẩm kém chất lượng, v.v. Nhưng cơ chế bảo vệ DN là khác bởi vì DN có tư cách pháp nhân, họ có thể khởi kiện. Còn NTD thì điều đó là khó, một mình họ không thể khởi kiện, cũng không thể chứng minh được. Ở đây, luật Bảo vệ NTD rất cần tới những hành động liên kết lại với nhau. Vì với NTD thì tiền làm sao nhiều bằng DN được. Ví dụ, tôi là NTD, khi quyền lợi của tôi bị xâm phạm, tôi có thể thuê luật sư để đi kiện. Nhưng DN có nhiều tiền hơn, họ có thể thuê luật sư giỏi hơn, họ có những cách làm cho lấp liếm đi sai trái của họ. Nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ thì việc bảo vệ quyền lợi NTD càng khó khăn hơn.
Một điều tôi muốn nhóm soạn thảo dự luật làm rõ hơn là quy định rõ về nội dung, phạm vi của quảng cáo sản phẩm. Hệ thống quảng cáo ở ta rõ ràng là thiếu kiểm soát, quảng cáo vô tội vạ. Ai đời, có những cơ sở khám chữa bệnh của người Trung Quốc quảng cáo chữa được 40 bệnh nan y. Cái này ai kiểm tra và chịu trách nhiệm? Có khi họ còn bán những loại thuốc có hại cho sức khoẻ. Theo tôi biết là ở nước ngoài, họ không cho quảng cáo dạng như sản phẩm của tôi là chất lượng nhất, tốt nhất… như quảng cáo ở ta.
Đã qua nhiều lần sửa đổi, nhưng dự thảo luật Bảo vệ NTD quy định về chế tài, xử phạt với những hành vi vi phạm quyền lợi NTD còn rất yếu? Tại sao ta không thể làm mạnh như một số nước, như Malaysia, có thể phạt tù những doanh nghiệp, cơ sở có những vi phạm nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần, gây nguy hại đến sức khoẻ, lợi ích NTD?
Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD còn được quy định ở trong cả một chế định khác, tức là trách nhiệm nghiêm ngặt. Với chế định đó, luật pháp yêu cầu bất kỳ trường hợp nào nếu như sản phẩm có lỗi ngay khi sản xuất và lỗi đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng NTD, hoặc sản phẩm đó quá nguy hiểm mà người sản xuất không tiên liệu được thì họ cũng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ anh sản xuất một cái cưa, nếu mà an toàn thì đường đi của máy cưa phải được bọc lại, hoặc nếu chỗ nào lưỡi cưa hở ra thì có phương tiện bảo vệ. Đó là trách nhiệm của người sản xuất là phải đảm bảo an toàn cho sản phẩm đối với NTD.
Chế tài còn thiếu thì cần phải quy định các chế tài cụ thể đủ nặng, như kiểu thanh gươm treo trên đầu để lúc đó DN hoạt động vì NTD sẽ tốt hơn. Còn bây giờ thì mực ăn mà mang về tẩy hoá chất giống như hàng mới thì không thể chấp nhận được. Xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của NTD thì phải coi đó là tội ác mới bảo vệ được quyền lợi của NTD. Tôi ủng hộ việc lập và công khai danh sách “đen” về các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần. Biện pháp này cũng rất hiệu quả để bảo vệ NTD.
Mặc dù hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã có các hội, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng hoạt động của các hội, hiệp hội đó được đánh giá chung là rất yếu ớt. Theo ông, trong dự thảo luật Bảo vệ NTD thì cần có chính sách, cơ chế gì để tạo điều kiện cho các hiệp hội này hoạt động hiệu quả?
Hiện nay, niềm tin của công chúng với hội này là chưa có vì tiếng nói của họ là chưa lớn. Do vậy cần phải tạo cho họ tiếng nói, tạo cho họ cơ chế trong giải quyết tranh chấp giữa NTD và các doanh nghiệp, các tổ chức, đặc biệt là cần phải mở rộng nhiều hơn nữa số lượng, cũng như phạm vi của hội này. Thứ hai, về vấn đề kinh phí, trách nhiệm một DN phải bồi thường thiệt hại mà họ gây ra, để cá biệt hoá thiệt hại rất là khó. Ví dụ một loại thực phẩm chức năng nào đó, chứng minh sức khoẻ của NTD bị tổn hại ở mức nào mà để bồi thường là rất khó. Nên chúng ta có cơ chế phân chia bồi thường thiệt hại của DN như thế nào để hội bảo vệ có động lực tài chính phát triển. Nếu không tính đến cơ chế phân chia như thế thì hội bảo vệ NTD rất khó khăn trong việc hoạt động có hiệu quả.
(Theo Mạnh Quân/SGTT)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com