Xem Hàng nội lên ngôi
Đã nhiều lần, báo chí đăng lời kêu gọi người VN yêu nước hãy dùng hàng VN song chỉ như gió thoảng qua, hàng ngoại vẫn tràn ngập thị trường nội địa. Gần đây, lần đầu tiên, cấp lãnh đạo cao nhất là Bộ Chính trị mở cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” đã được dư luận hoan nghênh.
Hàng hóa bày bán trong siêu thị được người tiêu dùng lựa chọn do chất lượng tốt và giá thành rẻ không thua kém sản phẩm ngoại nhập. Ảnh: H.THÚY
Phù hợp trào lưu thế giới
Chỉ cần đảo qua vài khu phố, ngôi chợ, chúng ta dễ nhận thấy hàng ngoại đang cạnh tranh gay gắt với hàng nội, trong đó không ít loại hàng ngoại đang chiếm ưu thế. Chưa hẳn người mua đã biết rõ chất lượng hàng ngoại ra sao, do nước nào sản xuất, mà chỉ đơn giản là vì chúng rẻ hơn, đẹp hơn, mẫu mã bao bì bắt mắt hơn; đồng thời cũng có thể do thói quen của một số tầng lớp dân cư “sính ngoại” hoặc một số thanh niên muốn chứng tỏ mình “sành điệu”. Sửa lại tập quán của một người đã khó, sửa lại cả một tập quán xã hội, một trào lưu “sính ngoại” của một tầng lớp dân cư không phải là việc ngày một ngày hai. Nó đòi hỏi một ý chí kiên trì tự đấu tranh với bản thân để tạo ra tính tự giác mới trong từng con người. Vì vậy, tạo ra bước ngoặt trong tư duy, trong tập quán toàn xã hội cũng là một thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị.
Có người lo ngại phải chăng chúng ta đi ngược lại nguyên tắc tự do buôn bán của WTO? Không, chúng ta làm vậy mới chính là bảo vệ WTO. Nhiều nước đã thực hiện hai chủ trương lớn liên quan mật thiết để tận dụng khả năng sản xuất trong nước, sớm phục hồi nền kinh tế: Hạn chế hàng nhập khẩu, khuyến khích tiêu thụ hàng bản địa và hạn chế sử dụng lao động nước ngoài đi đôi với khuyến khích tiêu thụ hàng nội địa. Hai chủ trương này trong điều kiện khẩn cấp nhằm cứu vãn nền kinh tế quốc gia khỏi sụp đổ đều thuộc khuôn khổ luật lệ WTO cho phép và cũng vì lợi ích của WTO.
Quan trọng là khâu thực hiện
Chủ trương đã đúng, thành bại tùy thuộc việc tổ chức thực hiện. Vấn đề là ai tham gia, làm gì và làm thế nào.
Theo tôi, các đối tượng tham gia phải là các hệ thống chính trị, cơ quan quyền lực Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân với tư cách người tiêu dùng (NTD).
Về hệ thống chính trị, cần giáo dục mọi thành viên hiểu sâu sắc ý nghĩa cuộc vận động, không chỉ trên giác độ lợi ích kinh tế trước mắt. Hệ thống quyền lực Nhà nước, với chức năng cụ thể từng ngành, cần bám sát, đi cùng DN, tạo môi trường thông thoáng nhất, kịp thời giải quyết mọi vướng mắc nhưng không làm thay hoặc can thiệp vào hoạt động tự chủ của DN. Không kém phần quan trọng là đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý để ngăn chặn buôn gian bán lận và xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật thương mại, coi đó là công cụ hữu hiệu, hợp pháp hạn chế những hàng không khuyến khích tiêu dùng trong nước.
Về hệ thống DN, cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; giành lại thị phần để đi lên cùng thị trường nội địa; dành hàng có chất lượng, giá chấp nhận được cho thị trường nội địa để xây dựng lòng tin cho NTD bản địa. Một hướng hoạt động mới là phát huy tối đa sức sáng tạo nội bộ để có sản phẩm mới tốt, rẻ, tiện dụng hơn; đồng thời tìm thị trường mới tiêu thụ, khẩn trương xây dựng thương hiệu quốc gia, từ đó tiến lên giành thương hiệu vùng và quốc tế.
Đối với NTD, trước tiên là cơ quan tiêu dùng Nhà nước, cần làm gương trong mọi hành vi mua sắm, xây dựng - chỉ mua sắm hàng ngoại khi trong nước chưa sản xuất được. Cá nhân NTD và hộ gia đình cần xem việc lựa chọn hàng VN là biểu hiện của tinh thần yêu nước.
Cuối cùng, các hệ thống chính trị, cơ quan quyền lực Nhà nước, DN và người dân – NTD cần phối hợp thực hiện cuộc vận động của Bộ Chính trị một cách tự giác, sáng tạo và khẩn trương.
(Theo GS Trần Đình Bút/NLĐ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com