![]() |
Mũ bảo hiểm cho trẻ em bày bán tại vỉa hè gần chợ Bình Tây (Quận 6,TP Hồ Chí Minh). |
Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Thân Văn Thanh cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tuy tai nạn giao thông (TNGT) nhìn chung giảm cả ba tiêu chí, nhưng có một tình trạng đáng báo động: Chỉ thống kê tại ba bệnh viện lớn gồm Việt Ðức, Chợ Rẫy và T.Ư Huế, số người bị chấn thương sọ não vì TNGT đã tăng 8% so với dịp Tết năm trước, với khoảng 400 người. Nguyên nhân do người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội những chiếc mũ thời trang giá rẻ, chất lượng thấp.
Hơn một năm trước, trên vỉa hè một số tuyến phố ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng,... bày bán hàng đống mũ bảo hiểm (MBH) đủ mầu sắc, kiểu dáng, đặc biệt 'giá rẻ bất ngờ': 20 - 30 nghìn đồng/chiếc. Loại mũ này chỉ có cối bằng nhựa mà không có phần xốp đệm vốn có tác dụng hấp thu xung động bên trong. Ða dạng về kiểu dáng, mầu sắc và ưu thế về giá, loại MBH này đã nhanh chóng đáp ứng thị hiếu nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Người mua chỉ quan tâm thời trang mà quên mất đây là loại mũ 'ba không': không địa chỉ nguồn gốc, không nhãn mác, không tem chất lượng. Chưa hết, MBH thời trang tiếp tục chuyển sang 'tiến công' nhiều vùng nông thôn, ngoại thành. Những chiếc mũ kém chất lượng này được bày bán công khai, không có bất kỳ một sự ngăn chặn nào của các cơ quan chức năng. Có lẽ bởi giá rẻ, hình thức lại phong phú nên lúc nào cũng tấp nập, rộn ràng kẻ bán, người mua. Theo quy định, đối với MBH sản xuất trong nước, các DN bắt buộc phải dán tem, công bố phù hợp chất lượng tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, tên đơn vị chứng nhận kiểm nghiệm chỉ định và tên cơ sở sản xuất... Ðối với mũ nhập khẩu được bày bán trên thị trường bắt buộc phải dán tem chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (tem CR) hoặc lô-gô của tổ chức chứng nhận và phải ghi tên và địa chỉ đơn vị nhập khẩu xuất xứ hàng hóa. Chất lượng mũ kém sẽ tiềm ẩn những hậu quả khó lường đối với sinh mạng và tương lai của người đội nó. Ý nghĩa của việc bắt buộc đội MBH chính là bảo vệ cho chính bản thân mình, chứ không phải để đối phó đối với lực lượng chức năng. Một bác sĩ ở Bệnh viện Việt Ðức (Hà Nội) cho biết, nhiều nạn nhân tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, không ít trường hợp tử vong hoặc phải suốt đời sống thực vật mà nguyên nhân chính là sử dụng MBH kém chất lượng. Họ quên mất nếu chẳng may bị TNGT, mũ không có khả năng bảo vệ đầu người đội, gây chấn thương sọ não, chi phí điều trị có thể gấp hàng nghìn lần tiền mua một chiếc MBH tốt.
Tôi tạt vào vỉa hè trên đường Trần Hưng Ðạo (Hà Nội) mua một chiếc MBH lưỡi trai mầu trắng trang trí bóng bẩy, bắt mắt với giá chỉ 20 nghìn đồng. Chị bán hàng vui vẻ lấy từ trong túi ra một tập tem mác đủ loại CS, CR, thoăn thoắt dán 'khuyến mại' vào mũ cho tôi. Chẳng ai có thể phân biệt được đó là tem thật hay giả. Một đống MBH lưỡi trai hàng trăm chiếc, hầu hết không có loại tem nhãn nào, nếu có, chỉ đơn giản là chiếc tem hình chữ nhật mầu sáng bạc kèm dòng chữ: 'Sản xuất tại Việt Nam', không có địa chỉ sản xuất. Trong khi các DN sản xuất mũ làm ăn chân chính phải chật vật đăng ký mới được cấp giấy chứng nhận hợp quy, trên thực tế đang tràn lan các loại tem CR giả, thị trường MBH trở nên phức tạp và thiệt thòi trước hết là người tiêu dùng. Nguyên nhân của tình trạng MBH giả, MBH không phù hợp quy chuẩn vẫn sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường một phần do cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan như thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, do quy định liên quan chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm tra. Thí dụ, việc xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu, tiêu hủy không thuộc thẩm quyền của cơ quan kiểm tra chất lượng mà phải chuyển hồ sơ và phối hợp các cơ quan thanh tra, quản lý thị trường xử lý hoặc theo quy định, cơ quan thanh tra chỉ được tiến hành thanh tra mỗi năm một lần về cùng nội dung.
Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý vấn đề này là MBH không đạt chất lượng không nằm trong quy định chế tài xử lý, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Do đó, lực lượng CSGT không thể xử lý được người đội MBH theo kiểu 'đối phó', mà chuyện này thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học - Công nghệ, Hải quan, Quản lý thị trường,...(?!). Hàng triệu chiếc MBH đang được người dân sử dụng sẽ không có chế tài cũng như không đủ lực lượng để kiểm tra và xử lý. Một cán bộ quản lý thị trường cho biết, việc xử lý các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm giả, nhái không hề đơn giản. Hầu hết họ kinh doanh theo kiểu 'lưu động', xử lý chỗ này thì chỗ khác lại phát sinh. Bên cạnh đó, không ít mũ bảo hiểm rõ ràng là hàng giả, kém chất lượng nhưng vẫn dán tem và theo quy định thì phải qua giám định mới có thể kết luận mũ có phù hợp quy chuẩn hay không. Chính vì thế, phương án được xem là khả thi nhất hiện nay là tuyên truyền, vận động người dân về tính an toàn của MBH chất lượng. Ngoài ra, cần kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài, các DN sản xuất xe máy, sản xuất mũ tổ chức chương trình tặng mũ, bán mũ giá rẻ hoặc 'đổi MBH cũ lấy mới'... Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường các địa phương cũng cần vào cuộc, tổ chức những cuộc ra quân tổng kiểm tra mặt hàng này. Cùng với đó, lực lượng lưu động cần thường xuyên kiểm tra trực tiếp tại những điểm bán MBH kém chất lượng, xử lý nghiêm khắc, ra quyết định tịch thu, tiêu hủy và xử phạt nặng đối với những người kinh doanh loại hàng kém chất lượng này.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các vụ TNGT, số người chết do chấn thương sọ não chiếm gần 50%, trong đó nhiều trường hợp do không đội MBH hoặc đội mũ không bảo đảm chất lượng và không đúng quy định. Người tiêu dùng cần ý thức rõ việc đội MBH không đạt chất lượng chính là coi nhẹ tính mạng mình.
(Theo Minh Trang/nhandan)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com