Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khánh Hòa vững bước đi lên

Một góc thành phố biển Nha Trang(Khánh Hòa).

Khánh Hòa đang có những bước đi dài, vững chắc trên con đường đi tới ấm no. Phố xá, thôn làng ngày một khang trang, đời sống người dân ngày một khấm khá. Thật là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu, song, Khánh Hòa vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Những ngày này, Nha Trang, Khánh Hòa thật rộn ràng, rực rỡ. Người dân đang dồn tâm lực hướng về Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 16, nhiệm kỳ 2010-2015.

Nhiều người bảo: Khánh Hòa đổi thay nhiều quá, nhanh quá. Khách từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang, đi trên đại lộ Nguyễn Tất Thành rộng dài tít tắp, cờ hoa rực rỡ cứ mãi xuýt xoa. Ðiều dễ thấy là diện mạo các đô thị như thị xã Cam Ranh, TP Nha Trang giờ đã rất khang trang; đã có được dáng dấp của những đô thị hiện đại. Mà không chỉ ở phố. Ði về hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh của Khánh Hòa lại càng cảm nhận được những chuyển biến sâu sắc trên các mặt đời sống của đồng bào ở đây. Ðường nhựa đi bon bon. Ðêm về điện lưới quốc gia sáng rực khắp buôn làng. Con trai, con gái vùng cao bây giờ được tới trường, tới lớp, chứ không phải lầm lũi trên rừng đi kiếm cái ăn như trước nữa.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tự cho rằng, đó là một kỳ tích, là kết quả của việc xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết trong nội bộ, nhất là trong Ðảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân; mở rộng và phát huy dân chủ. Có làm được những điều đó mới tạo được niềm tin trong nhân dân; tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Tiềm năng của Khánh Hòa có nhiều, cả lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên lẫn con người. Nhiều người đánh giá rằng, Khánh Hòa hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vậy mà sao vẫn chưa bứt phá lên được? Vậy mà sao phát triển vẫn chỉ ở mức khá, chứ chưa thể có bước đột phá, tăng vọt? Chẳng hạn tăng trưởng GDP có thể nhiều hơn con số 12,5% được không? Càng nhìn tiềm năng, càng sốt ruột. Bởi kết quả của sự phát triển, tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh đang có. Nhìn lại, công tác quy hoạch, quản lý ở một số ngành, địa phương hãy còn kém. Nhìn lại, cơ sở hạ tầng thiết yếu hãy còn thiếu và yếu. Ðội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu trước tình hình mới.

Kinh tế Khánh Hòa những năm qua liên tục phát triển, tăng trưởng với nhịp độ tương đối cao. Năm năm qua, Khánh Hòa có mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm gần 11%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Dịch vụ - du lịch chiếm 43,5%; công nghiệp - xây dựng 43,5% và nông - lâm - thủy sản 13%. Và trên thực tế, tỉnh Khánh Hòa đang từng bước trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa lớn của cả nước. Nói về việc thu nộp ngân sách trên địa bàn, còn nhớ, năm 2000, Khánh Hòa bước vào tốp các tỉnh có mức thu ngân sách mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng. Năm năm sau, đến năm 2005, Khánh Hòa thu ngân sách 3.400 tỷ đồng, tăng hơn gấp ba lần so năm 2000. Và đến năm 2010, dự kiến thu ngân sách của Khánh Hòa đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so năm 2005 và gấp bảy lần năm 2000. Với đà này, không còn xa nữa, có thể dự báo chậm lắm là vào năm 2012, Khánh Hòa sẽ đặt chân đến cột mốc thu ngân sách ở mức 10.000 tỷ đồng. Ðiều đáng mừng là các nguồn thu của Khánh Hòa khá ổn định và phát triển khá tốt.

Thực hiện Chương trình phủ điện nông thôn, hiện Khánh Hòa đã có hơn 98% số hộ dân miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia; đêm về buôn làng sáng rực. Những nơi đảo xa như Bình Ba (thuộc thị xã Cam Ranh), nay đã có điện lưới quốc gia. Hoặc hôm nay đi bon bon trên những con đường trải nhựa của huyện miền núi Khánh Sơn mới cảm nhận thật sâu sắc về những đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất này. Ðến nay, ở các huyện miền núi của Khánh Hòa, ô-tô con đã có thể đến tận từng thôn. Ở miền núi, mỗi học sinh đi học, từ cấp học mẫu giáo cho đến bậc đại học đều được tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần. Chỉ trong năm năm gần đây, huyện miền núi Khánh Sơn được đầu tư xây dựng 2.407 ngôi nhà định canh, định cư cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Ðem so con số này với tổng số hộ ở Khánh Sơn là 4.200 hộ mới thấy thật nhiều ý nghĩa.

Tỉnh luôn dành cho miền núi một tình cảm, một trách nhiệm sâu nặng. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống tận các xã miền núi, kịp thời nắm bắt, chỉ đạo. Gần 150 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị quân đội... lặn lội về với dân, giúp dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Và, có thể nói, cái được lớn nhất trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh là sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào về tập quán canh tác, về lối sống. Chẳng hạn khi đến huyện miền núi Khánh Vĩnh, thăm khu du lịch sinh thái của anh Mà Giá A, người dân tộc Raglai, mới thấy nhận thức của đồng bào đã chuyển biến tốt đến chừng nào. Ðã có nhiều nhà đầu tư lên đặt vấn đề mua lại toàn bộ khu du lịch với số tiền lớn, nhưng Mà Giá A bảo: "Mình không bán đâu. Nhìn nó, mình thích cái bụng lắm!".

Có một điểm rất đáng ghi nhận là trong thời gian gần đây, chiến lược phát triển kinh tế, nhất là phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh ngày càng được định hình rõ nét, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong giai đoạn mới. Ba vùng kinh tế trọng điểm, gồm TP Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh và Khu kinh tế Vân Phong, đang được từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu. Các công trình dân dụng, công nghiệp có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp và chất lượng cao... đang được xúc tiến triển khai. Ðến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, với vốn đăng ký khoảng 15,31 tỷ USD; khu vực vịnh Cam Ranh đã thu hút khoảng 11.200 tỷ đồng; TP Nha Trang đang triển khai nhiều dự án, công trình lớn, mang tầm quốc tế... Công tác xúc tiến đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm đang được tỉnh hết sức chú trọng. Ðó là những cơ sở quan trọng để Khánh Hòa phát triển mạnh hơn, có khả năng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều dự án lớn đang phát huy tác dụng rất tốt. Ðại lộ Nguyễn Tất Thành nối liền TP Nha Trang với sân bay Cam Ranh, mở ra cả một vùng đất Bắc bán đảo Cam Ranh đầy tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch. Ðường Phạm Văn Ðồng nối với đường Trần Phú, kéo dài ra tận Vĩnh Lương tạo cho Nha Trang một con đường bờ biển đẹp vào hàng nhất nước và mở rộng TP Nha Trang về phía bắc. Ðường Khánh Lê - Lâm Ðồng không chỉ kết nối tuyến du lịch biển - núi giữa thành phố biển Nha Trang với thành phố hoa Ðà Lạt mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả huyện Khánh Vĩnh và các địa phương lân cận.

Thời gian qua, Khánh Hòa có nhiều dự án trọng điểm mang tính chiến lược đã và đang được triển khai. Cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế Vân Phong đang được xây dựng; sân bay Cam Ranh được nâng cấp thành sân bay quốc tế; Chính phủ đã đồng ý đưa sân bay Nha Trang vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Nhiều dự án lớn đang được triển khai như Tổng kho xăng dầu Mỹ Giang; Nhà máy nhiệt điện than; Tổ hợp lọc hóa dầu; các khu công nghiệp lớn... Cạnh đó, các chương trình chỉnh trang, mở rộng thành phố, thị xã, thị trấn; giải tỏa các khu nhà tạm bợ dọc theo bờ sông Cái - Nha Trang; cải tạo vệ sinh môi trường; xây dựng khu dân cư, đô thị mới; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, vệ sinh môi trường... sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc nâng cấp và mở rộng hệ thống đô thị trong tỉnh; làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Khi hoàn thành, các dự án trên sẽ góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ðến nay, thương hiệu du lịch Nha Trang, Khánh Hòa đang từng bước được khẳng định không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Dịch vụ - du lịch phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất dịch vụ - du lịch tăng bình quân hằng năm 16,3%. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, với nhiều loại hình dịch vụ mới, được đầu tư hiện đại, mở rộng quy mô. Hoạt động đầu tư phát triển du lịch khá sôi động, sản phẩm du lịch từng bước đa dạng, với nhiều dự án lớn, chất lượng cao đã đưa vào hoạt động, cùng với các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức trên địa bàn... đang mở ra triển vọng mới, khẳng định Nha Trang, Khánh Hòa là trung tâm du lịch của cả nước.

Trên con đường phát triển Khánh Hòa vẫn còn đó những trăn trở về nhiều việc chưa làm được. Kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; lợi thế cạnh tranh trong từng ngành, từng vùng, từng thành phần kinh tế chưa được phát huy; công tác quy hoạch, quản lý ở một số ngành, địa phương còn yếu; tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các công trình trọng điểm còn chậm; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu và chưa đồng bộ; hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, tín dụng... có mặt chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; phát triển kinh tế chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ tài nguyên, môi trường...

Ðể đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế; phát triển toàn diện, tỉnh Khánh Hòa sẽ phải tập trung nhiều giải pháp: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; có chính sách cụ thể thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch; tập trung sức hoàn thành các dự án công nghiệp lớn như tổ hợp lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện than, các khu công nghiệp, dịch vụ lớn... để tạo sức bật cho nền kinh tế; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, phát huy lợi thế trung tâm dịch vụ, du lịch của cả nước; nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức, đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch...; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung tiềm lực để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; đẩy mạnh triển khai công tác thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

CÓ thể thấy, thế và lực của tỉnh Khánh Hòa đang từng ngày lớn mạnh. Chiến lược phát triển kinh tế, nhất là tập trung các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, được định hình rõ nét; các hoạt động thu hút đầu tư diễn ra sôi động ở các vùng kinh tế trọng điểm; nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai xây dựng, sẽ là những tiền đề quan trọng để Khánh Hòa có bước đột phá, phát triển nhanh trong thời gian tới. Với ý chí và nỗ lực, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa phấn đấu vượt qua những khó khăn thử thách để dựng xây quê hương giàu đẹp, văn minh.

Dự kiến một số mục tiêu chủ yếu đến năm 2015 của tỉnh Khánh Hòa

I - Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 12 - 12,5%;

- GDP bình quân đầu người: Năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010;

- Giá trị dịch vụ - du lịch tăng bình quân hằng năm hơn 14%;

- Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hằng năm hơn 17%;

- Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng hơn 4%;

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp, xây dựng - nông, lâm, thủy sản. Theo đó,

tỷ trọng dịch vụ, du lịch và công nghiệp, xây dựng cùng chiếm 45,5% GDP; nông - lâm - thủy sản chiếm 9% GDP;

- Tổng giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt hơn 1.250 triệu USD, xuất khẩu địa phương tăng bình quân hơn 15%/năm;

- Thu ngân sách năm 2015 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010;

- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 đạt hơn 45% GDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 khoảng 175 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2006-2010); trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 20% - 25%.

II - Về văn hóa - xã hội:

- Số lao động được tạo việc làm hằng năm hơn 26.000 người;

- Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề đạt 47,5%;

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3% (theo chuẩn của tỉnh);

- Ðạt các tiêu chí về phổ cập trung học phổ thông;

- Giảm tỷ suất sinh hằng năm khoảng 0,25%o; tốc độ tăng tự nhiên dân số đến năm 2015 đạt dưới 1%; giảm tỷ lệ

trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 10%;

- Tỷ lệ gia đình văn hóa 95%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa 70%;

- Toàn tỉnh đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

(Theo PHONG NGUYÊN // Nhandan Online)

  • Bắc Kạn đẩy mạnh quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội
  • Thái Bình xây dựng thương hiệu “Quê hương 15 tấn”
  • Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu
  • Hải Phòng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đóng tàu tái cơ cấu sản xuất
  • Ninh Thuận tận dụng lợi thế, phát triển kinh tế
  • Vĩnh Phúc phấn đấu năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp
  • Hải Dương phát triển công nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững
  • Phú Yên đẩy mạnh phát triển công nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi