TPHCM vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là việc làm cần thiết của thành phố trước những diễn biến xấu của BĐKH. TPHCM sẽ thích ứng với BĐKH như thế nào? Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT (ảnh), Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch thích ứng với BĐKH TPHCM.
BĐKH: Thách thức lớn
- PV: Thưa ông, theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD), Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH. Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch thích ứng với BĐKH đánh giá TPHCM sẽ phải đối mặt với nguy cơ BĐKH như thế nào?
![]() |
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT |
Ông ĐÀO ANH KIỆT: Ảnh hưởng do BĐKH đối với TPHCM có lẽ bắt đầu từ năm 1998 - thời điểm mà tại TP có những cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, gây ngập lụt ở rất nhiều điểm trên địa bàn TP.
Theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế ICEM, với mức mưa như hiện nay, đã có khoảng 154 xã, phường của TP thường xuyên bị ngập úng. Nếu không có gì thay đổi, đến 2050, dự báo con số phường, xã sẽ là 177, chiếm 61% diện tích TP và nếu có bão, diện tích bị ngập sẽ chiếm 71% diện tích TP. Điều này có nghĩa là khoảng 142.000 ha đất của TP sẽ bị ngập úng khi có bão bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến 187km đường sắt, 36km metro… Bên cạnh mưa, nhiệt độ của TP cũng tăng do tác động của trái đất nói chung đang ấm dần lên.
Đây là một thách thức rất lớn đối với sự phát triển của TPHCM bởi tất cả những biến động trên sẽ làm cho nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. TPHCM bị ngập, sẽ làm cho việc đi lại khó khăn hơn, ô nhiễm môi trường và các dịch bệnh sẽ theo đó phát sinh…
- Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch thích ứng với BĐKH của TPHCM là gì?
Sẽ có một kế hoạch tổng thể cho việc thích ứng với BĐKH bởi đây là công việc có liên quan đến rất nhiều ngành, rất nhiều đơn vị. Hiện nay, Sở TN-MT với tư cách là đơn vị được UBND TPHCM giao nhiệm vụ soạn thảo các chương trình hành động thích ứng với BĐKH đang nghiên cứu và đề xuất công việc cụ thể cho từng đơn vị.
Ví dụ, Sở TN-MT sẽ phải tiếp tục đẩy nhanh chương trình phân loại rác từ nguồn để có thể tái chế, tái sử dụng được nhiều chất thải, hạn chế việc khai thác tài nguyên. Sở Xây dựng có trách nhiệm khuyến khích xây nhà “xanh” thân thiện với môi trường. Sở Công thương khuyến khích sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Sở Giao thông Vận tải tăng cường sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng xe cá nhân để giảm lượng khí phát thải và tiết kiệm nhiên liệu…
Phải hướng thích ứng với BĐKH
- Như ông đã nói ở trên, “ảnh hưởng của BĐKH đối với TPHCM có lẽ bắt đầu từ năm 1998”, vậy mà hiện nay TP mới thành lập Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH và xây dựng kế hoạch tổng thể để thực hiện chương trình này, liệu đã trễ?
![]() |
Một số tuyến đường tại TPHCM bị ngập khi triều cường. Ảnh: CAO THĂNG |
TPHCM đã triển khai thực hiện rất nhiều chương trình bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực xử lý rác, từ năm 2007, TPHCM đã có thể chủ động được việc xử lý rác. Trước mắt, TP còn chủ yếu xử lý rác bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh, nhưng phấn đấu từ năm 2012 trở đi sẽ giảm lượng rác chôn lấp xuống còn 25%. Công tác chống ngập đang được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các lưu vực: Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hũ-Bến Nghé, Kênh Đôi-Tẻ…
Trong đó TPHCM sẽ triển khai xây dựng 9 nhà máy xử lý nước thải ở Bình Hưng Hòa (Bình Tân), Bình Hưng (Bình Chánh)… với công suất xử lý 170.000 - 200.000m³ ngày/đêm (xử lý cả nước thải công nghiệp lẫn nước thải sinh hoạt)… TPHCM đang đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng… Tất cả những công tác này đã và đang góp phần tích cực vào việc thích ứng với BĐKH.
- Một số ý kiến cho rằng nhiều công trình xây dựng của TP, cụ thể như việc lắp đặt hệ thống cống thoát nước trong các dự án ông vừa nêu đã lạc hậu so với những diễn biến phức tạp của BĐKH? (Tiết diện cống nhỏ so với lượng mưa đang ngày một tăng)?
Một số dự án thoát nước đã được tính toán trên cơ sở số liệu mưa của nhiều năm trước, nay có thể đã không còn phù hợp với những cơn mưa lớn. Tuy nhiên, TPHCM cũng đã có nhiều kế hoạch linh hoạt để đối phó với những cơn mưa ngày một lớn hơn như tăng khả năng tiêu thoát nước của hệ thống kênh rạch, hạn chế bê tông hóa vỉa hè, nghiên cứu xây dựng hồ điều tiết…
Hiện nay, trong kế hoạch phát triển, TPHCM đã lưu ý nhiều hơn đến hiện tượng BĐKH. Việc quy hoạch đô thị đã gắn với công tác thoát nước và ngập úng do nước biển dâng, dựa theo kịch bản BĐKH quốc gia. Nhiều dự án xây dựng đã tính đến việc BĐKH để tránh thiệt hại…
(Theo Nguyễn Khoa // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com