Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010. |
Mặc dù 74,4% đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010 là 6% GDP qua phiếu xin ý kiến, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội chấp thuận mức bội chi không quá 6,2% GDP.
Đề nghị này được đưa ra trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 tại phiên họp sáng nay (11/11) và được đa số đại biểu chấp thuận, chỉ có 20 đại biểu không tán thành và 4 vị không biểu quyết.
Quốc hội cũng đã thông qua toàn bộ Nghị quyết với tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 461.500 tỷ đồng, bằng 23,9% GDP; tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 462.500 tỷ đồng .
Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 582.200 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà Nước là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% GDP.
Tăng thu, giảm chi
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu điều chỉnh tăng thu nhiều (khoảng 10.400 tỷ đồng) và cắt giảm chi tiêu một số lĩnh vực để đạt được mức bội chi bằng 6% GDP thì trong chỉ đạo thực tế cũng gặp một số khó khăn nhất định. Nhất là phải điều chỉnh lại thu, chi ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng liên quan đến 40 tỉnh, thành phố.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách có nhiều buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan của Chính phủ và Quốc hội. “Các cơ quan hữu quan của Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và xin tiếp tục tính toán để điều chỉnh giảm mức bội chi ngân sách”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết.
Phương án điều chỉnh dự toán thu, chi, bội chi ngân sách năm 2010 không quá 6,2%GDP, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội được dựa trên cơ sở tăng thêm thu ngân sách Nhà nước 6.100 tỷ đồng. Bao gồm: tăng thêm thu từ dầu thô: 2.600 tỷ đồng, tương ứng với giá dầu thô tăng từ 65 USD/thùng lên 68 USD/thùng; tăng thu thêm từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.500 tỷ đồng; tăng số thu chuyển nguồn từ năm 2009 sang năm 2010 so với số đã báo cáo Quốc hội 1.000 tỷ đồng và được tính vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2010.
Đồng thời, tăng chi Chương trình Biển Đông hải đảo 38 tỷ đồng tương ứng với số giảm chi của Tập đoàn công nghiệp, than và khoáng sản Việt Nam (28 tỷ đồng); Tập đoàn dệt may Việt Nam (10 tỷ đồng); tăng chi cho Chương trình giảm nghèo 300 tỷ đồng.
Trường hợp tăng thu ngân sách nói chung, tăng thu từ dầu thô nói riêng và tăng số chuyển nguồn so với dự toán, Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định của pháp luật theo hướng ưu tiên trước hết và chủ yếu cho giảm bội chi ngân sách, tiếp đó là một số nhu cầu cấp bách phát sinh về đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội; trường hợp hụt thu không bảo đảm chi đầu tư phát triển thì Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án xử lý. “Đây là phương án mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành”, Ủy ban nhấn mạnh.
Tăng lương tối thiểu từ 1/5/2010
Để thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 Quốc hội đã nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi, phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010 xuống dưới 6,2% và giảm dần trong các năm sau.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ dừng việc miễn, giảm thuế theo Nghị Quyết số 32/2009/QH12 của Quốc hội; thực hiện giãn thời hạn nộp thuế một quý đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da, giầy.
Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền và sai quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tiếp tục cải cách tiền lương, tăng mức lương tối thiểu từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng từ ngày 01/5/2010.
Quốc hội đồng ý năm 2010 phát hành trái phiếu chính phủ 56.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án, công trình thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội. Yêu cầu Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ năm 2010, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Liên quan đến vấn đề nhiều đại biểu có ý kiến về các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết nhấn mạnh việc tổng kết, đánh giá và rà soát, căn cứ vào tình hình thực tế mà địa phương quyết định việc lồng ghép các chương trình và phân bổ cụ thể cho các chương trình, tập trung cho các chương trình có khả năng hoàn thành trong năm 2010.
Quốc hội cũng yêu cẩu tổ chức tổng kết thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm 2006-2010 và 10 năm 2001-2010; định hướng phát triển tài chính - ngân sách Nhà nước 5 năm 2011-2015 và Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
(Theo Minh Thuý // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com