Hôm nay, các đại biểu Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2009 và thực hiện những tháng đầu năm 2010.
Thuộc tốp đứng lên phát biểu đầu tiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lưu ý về việc thực thi chính sách tiền tệ trong năm 2010. Theo đại biểu này, tình hình năm 2010 khác với 2009, kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi nhưng nguy cơ lạm phát cao.
Trong tình hình như vậy, đại biểu này đề nghị cân nhắc việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng mà chỉ thực hiện linh hoạt và thận trọng để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát cao có thể quay trở lại.
Ngoài ra, đại biểu của Bình Dương cũng lưu ý đặc biệt đến việc nhập siêu mà 27% tổng giá trị nhập khẩu đến từ một nước láng giềng. Ngoài việc kiểm soát nghiêm ngặt các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như xe hơi, rượu ngoại, điện thoại di động xịn…. đại biểu Đáng còn yêu cầu kiểm soát việc chặt chẽ việc nhập khẩu từ nước láng giềng nói trên.
Trong khi đó, một số đại biểu khác lại lưu ý về vấn đề hiệu quả của vốn đầu tư. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) dẫn chứng, năm 2007 chỉ số ICOR của Việt Nam là 5,2 thì 2009 là trên 8. Rõ ràng hiệu quả đầu tư rất thấp và cần làm rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Cũng liên quan đến chỉ số này, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nhận xét: ICOR cao là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và lãng phí.
Cũng liên quan đến vấn đề đầu tư, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề xuất việc hoãn đầu tư cho các dự án chưa thực sự cần thiết để đầu tư cho các dự án điện bởi điện là tiền đề cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, đại biểu Tiến tỏ ra rất bức xức với ngành điện khi ngành này cắt điện gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không thấy nói gì đến việc đền bù. “Thiếu điện thì cắt điện, đó là giải thích rất hồn nhiên của ngành điện”, đại biểu Tiến nói.
Góp ý về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2010, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đồng tình với đánh giá của Chính phủ về các thành tựu đạt được. Tuy nhiên, đại biểu từ Đồng Nai lưu ý: việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô vẫn yếu: bội chi ngân sách có xu hướng tăng chứ không giảm, nhập siêu luôn cao hơn mục tiêu nghị quyết quốc hội đề ra, nguy cơ lạm phát cao… Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng và giảm nghèo chưa bền vững.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com