Có 17/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch so với mục tiêu đề ra đầu năm 2009. Ảnh: Đức Thanh |
Tuy nhiên, đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 cũng cho thấy, vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế và yếu kém như tốc độ tăng GDP thấp nhất trong 10 năm gần đây, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao thể hiện ở chỉ số ICOR mỗi năm một tăng (chỉ số ICOR năm 2007 là 5,2; năm 2008 là 6,6 và năm 2009 đã lên đến trên 8); kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm khiến cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt…
Về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2010, báo cáo tổng hợp của Văn phòng Quốc hội cho biết, các hoạt động kinh tế trong 4 tháng đầu năm diễn biến tương đối thuận lợi; tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 5,83% cao hơn 1,9 lần tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2009; nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13%, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 9%, khách du lịch quốc tế tăng 35,7%...
Tuy nhiên, tình hình hoạt động kinh tế cũng nảy sinh không ít bất lợi, nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 như tiến độ giải ngân vốn ODA và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chậm được cải thiện; giá cả nhiều loại hàng hoá, đặc biệt là nhiên liệu, năng lượng tăng có xu hướng tăng; nhập siêu tăng mạnh… Đặc biệt, tình trạng thiếu điện đang gây không ít khó khăn, trở ngại đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Việc thiếu điện có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do mức độ hạn hán và thời gian xảy ra hạn hán ở các tỉnh miền núi phía Bắc dài hơn dự kiến đã khiến ngành điện phải cắt điện luân phiên, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Chủ đề này chắc chắn sẽ được các đại biểu chất vấn Bộ Công thương”, ông Đàn dự báo.
Trong Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 10 dự thảo luật, trong đó có Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Thuế nhà đất, Luật Bưu chính…
Một trong những nội dung quan trọng nhất của Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là Quốc hội sẽ xem xét thông qua về địa vị pháp lý của NHNN. Nếu Quốc hội chấp thuận với đề xuất của Ban soạn thảo thì “NHNN Việt Nam vẫn là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, địa vị pháp lý của NHNN được quy định như trên là phù hợp trong tiến trình xây dựng NHNN trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại, có tính tự chủ và tính độc lập cao, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày một cao của tiến trình hội nhập và phù hợp với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, trong những năm đầu triển khai Luật NHNN, cần phải tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, vừa bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành, vừa bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế, tài chính - tiền tệ quốc gia.
Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện vẫn còn tới 6 nội dung cần phải thảo luận, thống nhất quan điểm trước khi Quốc hội thông qua (dự kiến vào ngày 16/6/2010), trong đó có nội dung liên quan tới việc ngân hàng thương mại và công ty con được mua, nắm giữ cổ phần của các TCTD khác.
Theo ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc NHNN, nếu cho phép ngân hàng thương mại và công ty con được mua, nắm giữ cổ phần của TCTD thì các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng được mua và nắm giữ cổ phần tại các TCTD trong nước, gây bất lợi cho các ngân hàng thương mại trong nước. “Dù có đặt ra điều kiện khắt khe đến đâu thì với tiềm lực tài chính hùng mạnh, kinh nghiệm hoạt động lâu năm, trình độ quản lý cao hơn hẳn các ngân hàng thương mại trong nước, các ngân hàng nước ngoài cũng dễ dàng vượt qua để mua, nắm giữ cổ phần của TCTD trong nước, trong khi hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước không thể đáp ứng được điều kiện. Vì vậy, không nên cho phép ngân hàng thương mại và công ty con được mua, nắm giữ cổ phần của TCTD trong nước”, ông Bình đề xuất.
(Theo Hàng Châu // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com