Thảo luận tại hội trường chiều 26/5, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Bưu chính đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, bổ sung nhiều quy định cụ thể.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường - Ảnh: Chinhphu.vn |
Dự thảo Luật Bưu chính trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội gồm 10 chương, 47 điều (tăng 1 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Dự thảo Luật Bưu chính tương đối hoàn chỉnh
Ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, bổ sung nhiều quy định cụ thể, làm rõ hơn được nhiều nội dung về nghiệp vụ, tính đặc thù và chủ thể thực hiện bưu chính. Các đại biểu nhất trí cho rằng, với điều kiện thực tế của Việt Nam, việc quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ bưu chính công ích và được hưởng một số chính sách đặc thù của hoạt động công ích là phù hợp. Việc quy định trong Luật hay sẽ quy định tại văn bản hướng dẫn Luật về cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã (điểm bưu điện văn hóa xã), đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu.
Một số đại biểu cho rằng, cùng sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhu cầu thông tin ở cơ sở đã có nhiều thay đổi, vì thế việc tổ chức, hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã cũng cần được nghiên cứu kỹ cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lại cho rằng, cần quy định điểm bưu điện văn hóa xã trong Luật vì những lợi ích của mô hình này đối với sự tiếp cận thông tin của nhân dân, đảm bảo quyền tiếp nhận thông tin của người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng, hiện nay, đa số người dân vùng nông thôn không có báo chí để đọc. Nếu được xây dựng một cách khoa học, các điểm bưu điện xã ngoài việc cung cấp thông tin cho người dân còn có thể giúp người dân tiếp nhận thư điện tử và nhiều tiện ích khác của internet.
Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi cần rõ ràng
Sáng 26/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nuôi con nuôi.
Đây là dự Luật thể hiện tính nhân văn, đáp ứng nguyện vọng được làm cha mẹ của những cặp vợ chồng hiếm muộn, tạo điều kiện cho trẻ em có mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục; tạo hành lang pháp lý thống nhất để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Việc ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về nuôi con nuôi trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thống nhất các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi hiện được quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đồng ý với Điều 12 của dự thảo Luật quy định, người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Tuy nhiên, Luật cần quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, việc miễn, giảm và chế độ quản lý, sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Vấn đề này là vô cùng nhạy cảm nên cần có quy định chặt chẽ và rõ ràng, minh bạch về tài chính để tránh diễn ra tình trạng buôn bán trẻ em.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng đề nghị, các khoản chi trả đăng ký nuôi con nuôi phải được ghi rõ trong Luật. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng khiếu kiện, thắc mắc của người nhận nuôi con nuôi.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là việc cho nhận con nuôi ở khu vực biên giới. Hầu hết các ý kiến đều nhận định, đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến mối quan hệ về họ tộc, dân tộc, thân tộc của đồng bào dân tộc có chung đường biên giới với Việt Nam. Chính phủ cần sớm đàm phán, ký kết với các nước làng giềng để có được những điều ràng buộc, quy định thống nhất trong việc giải quyết nuôi con nuôi ở khu vực biên giới.
(Theo Hà Dũng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com