Việc đảm bảo các quyết định của Tòa hành chính được thực thi, điều kiện khởi kiện vụ án hành chính… là những vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu khi thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng hành chính.
Ảnh minh họa |
Sáng 1/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính.
Dự thảo Luật tố tụng hành chính gồm 13 chương, 163 điều quy định về bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hành chính; giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hành chính; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính; bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính; cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng…
Khẳng định tính cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính, các ý kiến đại biểu cho rằng, dự án Luật này được chuẩn bị công phu, trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực tố tụng hành chính.
Về quyết định của Hội đồng xét xử, có ý kiến đại biểu đề xuất cần phải xây dựng thêm quy định để bảo đảm các quyết định của Tòa án được thi hành đúng và thuận lợi, và để xác định rõ ràng trách nhiệm của người không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án.
Các đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An), Vi Thị Hương (Điện Biên) và một số đại biểu đề xuất, dự thảo Luật nên làm rõ hơn quy định về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính bởi trong thực tế hầu hết khiếu kiện hành chính đều bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại Tòa án.
Liên quan đến thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, đại biểu Võ Thị Thủy Loan (Tiền Giang) cho rằng quy định thủ tục thỏa thuận mang tính bắt buộc giữa các bên trong trường hợp này là không phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Thủy Loan cũng đề xuất, dự thảo Luật có thể quy định mang tính khuyến khích việc đối thoại giữa các bên. Việc đối thoại này có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình giải quyết vụ khiếu kiện.
Về người làm chứng, một số ý kiến đại biểu cho rằng, quy định người làm chứng chỉ được từ chối khai báo trong trường hợp liên quan đến bí mật nhà nước là còn hẹp, chưa đảm bảo quyền tự do của công dân.
Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm vào Điều 53 dự thảo Luật các trường hợp người làm chứng được từ chối khai báo trong các trường hợp khác như bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư…
Có ý kiến đại biểu cho rằng, Chương XII chưa có quy định về thời hiệu thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án hành chính, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có thẩm quyền thi hành án hành chính...
Đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) cho rằng Điều 159 dự thảo Luật mới chỉ quy định một cách khái quát, chưa cụ thể, chưa quy định cơ chế thi hành bản án, quyết định hành chính. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định hành chính và xác định một cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính.
(Theo Nguyễn Hoàng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com