Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm cách khắc phục hậu quả “bão” kinh tế 2009

Xuất khẩu hàng dệt may hiện chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu giảm 11,6% trong khi nhập siêu tăng cao so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.

Đây là “khối đá nặng” mà ngành công thương không chỉ phải “vần” trong hơn 20 ngày còn lại của năm 2009 mà còn tiếp tục phải “gồng gánh” sang cả năm 2010.

Chính vì vậy, tâm điểm của cuộc họp Bộ Công Thương ngày 7/12 lại một lần nữa chỉ nhằm vào các giải pháp để khắc phục hậu quả “bão” kinh tế 2009 và dồn sức hoàn thành kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Phải coi sản xuất là “gốc”

Quan tâm đến tăng giá trị xuất khẩu và giảm nhập siêu là hết sức cần thiết vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này nhưng không vì thế mà xem nhẹ tăng năng lực sản xuất bởi sản xuất công nghiệp là “gốc” còn xuất khẩu chỉ là phần “ngọn”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định năm 2009, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Theo ông Hào, song song với nhiệm vụ gia tăng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành công thương phải tập trung đẩy mạnh sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp.

“Nếu sản xuất công nghiệp trong nước không đảm bảo thì xuất khẩu ắt sẽ có vấn đề”, ông Hào cảnh báo.

Đại diện Tập đoàn Dệt may cũng cho biết, đến thời điểm này, các đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may còn nhiều nhưng đa số doanh nghiệp không thể tổ chức sản xuất để tăng sản lượng được do gặp khó khăn về lao động, về nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.

Đặc biệt, năm 2009 sắp qua nhưng các chương trình trọng điểm của ngành dệt may như trồng bông nguyên liệu cũng chưa thể triển khai hiệu quả do vướng cơ chế tài chính; còn mục tiêu xây dựng trung tâm nhuộm vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, xuất khẩu hàng dệt may hiện chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam .

Cũng như ngành dệt may, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ cho rằng, hiện nay có một xu hướng có lợi cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam là đa số khách hàng lớn ở Mỹ, châu Âu đang muốn thay đổi nguồn cung ứng các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành gỗ phụ thuộc tới 80% nguyên liệu vào nhập khẩu. Thêm vào đó, lao động cho ngành chế biến gỗ cũng đang thiếu trầm trọng. Chính vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm xây dựng các chính sách đặc thù phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, nhất là các vùng nguyên liệu ở trong nước và các nước càng gần Việt Nam càng tốt.

Thứ trưởng Hào cũng cho rằng lo đủ điện cho sản xuất là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phải tính tới các phương án lo điện cho năm 2010 và nhất là trong mùa khô; trong đó đẩy mạnh mua điện Trung Quốc, đẩy nhanh các dự án nguồn điện mới và tích nước các hồ thủy điện để đảm bảo nước cho phát điện mùa khô cũng như nước cho sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt với EVN và các bộ ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các công trình lưới điện. Ngoài ra ngành dầu khí cần sớm đưa các nhà máy nhiệt điện chạy khí vào hoạt động ổn định để tăng sản lượng phát lên lưới bởi nhiệt điện khí vẫn hiệu quả hơn nhiều so với nhiệt điện chạy dầu diesel.

Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng lúc này là xúc tiến việc mua mỏ than và mua than ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất công nghiệp nói chung và sản xuất điện trong nước.

Để chuẩn bị cho kế hoạch 2010 và các cân đối vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho rằng các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương phải rà soát các dự án, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhằm sớm đưa các dự án như dự án DAP Đình Vũ, các dự án sản xuất đạm, điện đi vào hoạt động ổn định để tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Bộ sẽ phối hợp chặt với doanh nghiệp và chủ trì cũng như báo cáo Thủ tướng chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ các khó khăn phát sinh.

Tiếp tục kiềm chế nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ trưởng Thường trực Bùi Xuân Khu khẳng định thời gian hơn 20 ngày còn lại khó có thể xoay chuyển tình thế nhưng mọi cố gắng nhằm kiềm chế nhập siêu và tăng giá trị xuất khẩu vẫn sẽ góp phần quan trọng vào thu hẹp khoảng cách về đích.

Theo ông Khu, sau cuộc họp với Chính phủ tuần vừa qua, Bộ Công Thương đã họp với các ngân hàng và các bộ ngành liên quan để có biện pháp kiềm chế nhập khẩu một số mặt hàng xa xỉ như mỹ phẩm, điện thoại di động, thực phẩm, ôtô, rượu.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tổ chức thu mua ngoại tệ chợ đen, chuyển vào tài khoản để nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, nhất là ôtô. Do vậy Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cần quyết liệt phối hợp với Cục quản lý thị trường và các bộ ngành liên quan áp dụng các biện pháp “mạnh tay” hơn trong việc kiềm chế nhập siêu.

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng khác là ngành xăng dầu phải cân đối sử dụng tối đa sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tính toán giảm hợp lý lượng dự trữ xăng dầu cũng như tăng cường xuất khẩu sang thị trường khu vực.

Nhằm tạo đà cho sản xuất, tăng sức cạnh tranh và xuất khẩu, cần tiếp tục đẩy nhanh công tác xúc tiến thương mại, mở cổng giao dịch điện tử vùng, cải cách hành chính, thủ tục hải quan.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong đó có các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu như gạo, tiêu, điều, cà phê, Vụ Xuất nhập khẩu cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để tổ chức thu mua, dự trữ chân hàng cho niên vụ xuất khẩu 2010 sắp tới, tránh tình trạng tự phát thu mua dẫn tới sốt giá hoặc giảm giá đột ngột.

Ông Biên cũng lưu ý, từ tháng 1/2010, các nước EU sẽ áp dụng Luật truy suất nguồn gốc thủy sản ngoài khơi. Vì vậy, ngành thủy sản phải nhanh chóng triển khai các giải pháp đối phó với tình hình bất lợi cho xuất khẩu này.

"Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, của Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan cần quyết liệt vào cuộc, cùng chung tay gánh vác mới mong vượt qua “bão 2009” và dồn sức vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010", Thứ trưởng Khu kết luận./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
  • "Chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của VN"
  • Cải cách thủ tục hành chính: Để phục vụ tốt hơn
  • Bế mạc kỳ họp Quốc hội với nhiều kết quả ý nghĩa
  • Quốc hội không "lách luật" trong giám sát Chính phủ
  • Tuyển sinh 350 suất học bổng từ ngân sách Nhà nước
  • Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội “Nợ quốc gia có thể tăng nhanh”
  • Sức mạnh Quốc hội, nhìn từ người trong cuộc
  • Các bộ trưởng đã thực hiện “lời hứa” như thế nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi