Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý cân đối kinh tế vĩ mô

Có 17/25 chỉ tiêu kinh tế đã đạt và vượt kế hoạch như tăng trưởng GDP đạt 5,32%, thu ngân sách vượt 13,4% so với dự toán… nhưng các cân đối vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Phiên họp thứ 31 của UBTVQH.

Tại buổi làm việc hôm nay (7/5) của phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2009 và tình hình triển khai những nội dung này trong năm 2010.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong năm 2009, bằng việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế và xã hội cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, kinh tế nước ta đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản các mục tiêu nêu trong Nghị quyết của Quốc hội là ngăn chặn suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Theo đó, có 17/25 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đã đạt và vượt kế hoạch. Một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội như tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,32%, thu ngân sách nhà nước trong năm qua vẫn vượt 13,4% so với dự toán (tăng so với số đã báo cáo Quốc hội), bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 6,9%, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, nhưng các đại biểu cho rằng, so với năm trước, cân đối vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, vẫn tiềm ẩn các yếu tố bất ổn như bội chi ngân sách ở mức cao, nợ Chính phủ lên đến 41,9% GDP (tăng sát mức an toàn cho phép), huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ thấp, nhập siêu ở mức khá cao, việc triển khai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng đã gây áp lực khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát trong năm 2010…

Về vấn đề bội chi, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai góp ý: “Tôi thấy còn một vấn đề cần sự quyết tâm của Chính phủ, mà có lẽ là sự quyết tâm của cả Quốc hội và Chính phủ, đó là giảm mức bội chi ngân sách”. Năm 2009, mức bội chi là 6,9%, năm nay dự kiến là 6,2%...

“Thu ngân sách năm 2009 vượt dự toán trên 52.000 tỷ đồng nhưng lại không sử dụng một phần để giảm bội chi là chưa phù hợp. Do vậy, ngay từ thời điểm này, cần có sự quyết tâm để chuẩn bị cho năm sau tiếp tục hạ mức bội chi ngân sách xuống còn 5,5% và tiến tới mức giảm còn 5%”, bà Mai nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, chất lượng công tác dự báo và thống kê báo cáo cũng là một vấn đề cần được quan tâm khắc phục: “Chỉ trong vòng 2 tháng, tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội đến hết năm tài chính, chênh lệch giữa số liệu ước thực hiện và số liệu thực hiện còn lớn, đặc biệt là thu ngân sách cao hơn số ước thực hiện tới hơn 51.000 tỷ đồng”.

 Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc quyết định xử lý bù đắp bội chi và thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách đến công tác lập kế hoạch cho năm sau và tính toán các cân đối tổng hợp khác.

Kết luận ngày làm việc 7/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá, trong điều kiện quy mô kinh tế và quy mô ngân sách còn nhỏ, năm 2009, nước ta đã chặn được đà suy giảm kinh tế, đảm bảo nhu cầu an sinh xã hội.

“Điều này thể hiện đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ ra một số thách thức, khó khăn năm 2010 như lạm phát có khả năng tăng cao trở lại, bội chi ngân sách và nhập siêu ở mức cao, vấn đề tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình nợ và quản lý nợ trung và dài hạn, đảm bảo an toàn vững chắc an ninh tài chính quốc gia.

(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi