Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý Quy hoạch Hà Nội

Cho rằng quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đã đề ra những giải pháp quy hoạch, mô hình phát triển không gian đô thị và định hướng quy hoạch hạ tầng cơ bản phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện nay của Thủ đô, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý một số điểm cần hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Sẽ tiếp thu các ý kiến của UBTVQH để tiếp tục hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch Hà Nội - Ảnh: Chinhphu.vn

 Hôm nay (11/5), tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự kiến chương trình, Đồ án này không phải là văn bản trình Quốc hội quyết định, chỉ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 tới đây, sau đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh và phê duyệt.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã trình bày tóm tắt Báo cáo Đồ án.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được thực hiện theo đúng nhiệm vụ thiết kế được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg, đã định ra tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm là xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành thành phố Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.

Theo đó, đến năm 2020 dân số thủ đô khoảng 7,1-7,4 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 64%. Đến năm 2030, dân số khoảng 9-9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70% và năm 2050 dân số khoảng 10,8 triệu người, đô thị hóa đạt 80%.

Gần 90 tỷ USD đầu tư hạ tầng kỹ thuật

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nội dung của Đồ án, các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch khá rõ ràng. Cơ quan chủ trì xây dựng Đồ án đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng trong quá trình hoàn thiện Đồ án.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế khuyến nghị, cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và tình hình thực hiện các quy hoạch đã có, thực trạng kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn Hà Nội, môi trường và các nội dung khác có liên quan.

Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD, trong đó khung hạ tầng chiếm từ 40-50% tổng vốn, như vậy đến 2030 có từ 20-30 tỷ USD đầu tư xây dựng khung hạ tầng.

Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý, cần tính đến một đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán, mặt khác trong đầu tư xây dựng mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội thì tới 80% chi phí dành cho bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do vậy, cần làm rõ tính khả thi khi thiết lập tổng vốn xây dựng hạ tầng khung của Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước: cơ quan chủ trì soạn thảo cùng nhà tư vấn quốc tế cần lưu ý đến các đánh giá về thuận lợi, khó khăn khi quy hoạch mới được triển khai và các tác động đến người dân.

“Hà Nội đang có sự đan xen giữa khu đô thị cũ và mới, làng xã nông thôn đã tồn tại hàng ngàn năm nay sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Tính đồng bộ, cân đối với quy hoạch vùng nông thôn hiện hữu và trong tương lai cần được đầu tư, quan tâm đúng mức, tạo sự phát triển bền vững, hài hòa... Bởi đây chính là vành đai xanh của Hà Nội”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của quy hoạch

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý: Cần xem xét kỹ quan điểm của Đồ án là hạn chế nguồn dân số nhập cư cơ học vào thành phố liệu khi di cư và tìm kiếm việc làm đang là hoạt động bình thường của người dân.

Ông Hiển cũng băn khoăn Đồ án xác định nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó thu ngân sách của Hà Nội chỉ khoảng 72.000 tỷ đồng/năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chỉ ra thực tế đã và đang có các quy hoạch bị phá vỡ, chỉnh sửa hoặc chồng lấn. Vì thế, một trong những yêu cầu lớn đặt ra cho quy hoạch lớn này là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và không phá vỡ quy hoạch bởi các yếu tố bên ngoài.

Thay mặt cơ quan chủ trì quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp xác đáng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh Đồ án bảo đảm được chất lượng, tiến độ nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, là biểu tượng cho cả nước về văn hóa-khoa học-giáo dục-kinh tế...

* Cũng trong buổi làm việc hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011.

Theo đề xuất của Chính phủ, Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011 có tổng số 31 dự án Luật, trong đó  20 dự án Luật thuộc chương trình chính thức và 11 dự án thuộc chương trình chuẩn bị.

Dự kiến, trong năm 2011, sẽ có 3 Kỳ họp Quốc hội (thông thường là 2 kỳ một năm). Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 3/2011 (Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XII), Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua 4 dự án Luật.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII (tháng 7/2011), Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 1 dự án Luật và cho ý kiến 4 dự án Luật. Vào kỳ họp thứ hai (tháng 11/2011), Chính phủ đề nghị trình 10 dự án Luật để Quốc hội xem xét, thông qua và 6 dự án Luật đề nghị Quốc hội cho ý kiến.

(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi