Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trách nhiệm tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tư vấn, thông tin, tuyên truyền chứ không phải chỉ đi theo giúp họ khởi kiện.
Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 33 khai mạc hôm nay (20/8).
Dự thảo Luật Bảo vệ NTD đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Theo GS. Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất như phạm vi điều chỉnh, trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD...
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau như cơ chế và hình thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.
Thảo luận về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, dự thảo phải làm rõ mô hình của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, địa vị pháp lý cũng như nhiệm vụ cụ thể của tổ chức này.
“Dự thảo quy định tổ chức bảo vệ NTD có quyền tự khởi kiện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xâm phạm lợi ích của NTD, vậy tổ chức này phải xác định tự khởi kiện cái gì, cho ai và không thể tự khởi kiện trong khi NTD không yêu cầu”, ông Thuận phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lưu ý Ban soạn thảo về 5 hình thức xử lý tranh chấp được nêu trong dự thảo cũng như vấn đề vai trò của UBND huyện như một cơ quan tài phán vào quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến NTD, khi đây chỉ là quan hệ dân sự hàng ngày liên quan đến chuyện “con cá, lá rau” ở “góc chợ, vỉa hè”. Không thể cứ có chuyện, dù nhỏ hay to, cũng kéo lên trụ sở UBND huyện để xử lý, một số đại biểu đặt vấn đề.
“Không nên đặt ra cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính, như thế sẽ làm cho cơ quan hành chính tối ngày đi giải quyết khiếu nại? Khi giải quyết xong, ai sẽ thi hành quyết định?”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng - Ảnh Chinhphu.vn |
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, cách đặt vấn đề về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của tổ chức bảo vệ NTD chưa ổn.
“Bản chất của các loại tranh chấp này là về dân sự giữa người mua và người bán, nếu giải quyết tại UBND huyện thì lại thành tranh chấp hành chính, mang tính mệnh lệnh, trái với bản chất giải quyết dân sự”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu ra vấn đề.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trách nhiệm tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD là tư vấn, thông tin, tuyên truyền chứ không phải chỉ đi theo giúp cho NTD khởi kiện. Nhà nước nên tập trung xây dựng pháp luật, thực thi và giám sát thanh kiểm tra thế nào để bảo vệ NTD.
Giải trình và tiếp thu về những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án luật này tương đối đặc thù, đối tượng được bảo vệ gồm có nhiều người yếu thế cần được xã hội, tổ chức bảo vệ.
Trình bày rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoàn toàn là một loại hình tổ chức xã hội có các chức năng đặc thù, được thành lập dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, sớm tiếp thu, chỉnh lý để gửi cho các đại biểu QH nghiên cứu, tham gia ý kiến khi dự thảo Luật được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp tới.
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến các dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi, Luật Khiếu nại, Luật phòng chống buôn bán người, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo của UBTVQH về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2011.
(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com