Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Đoàn kiểm toán nhà nước kiểm tra thựcđịa công trình đê kè Huyện Tiền Hải(Thái Bình) phục vụ kiểm toán báo cáoquyết toán ngân sách tỉnh

Ngày 19-4-2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về việc ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), góp phần phát huy chức năng kiểm tra, kiểm soát tài chính nhà nước, phục vụ tốt hơn sự lãnh đạo của Ðảng, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước và quyền làm chủ, giám sát của nhân dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, CNH, HÐH, hội nhập quốc tế. Nhân kỷ niệm 16 năm Ngày thành lập KTNN (11-7-1994 - 11-7-2010), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn Tổng KTNN Vương Ðình Huệ. dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Tổng KTNN, đề nghị đồng chí cho biết ý nghĩa của việc ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020?

Tổng KTNN Vương Ðình Huệ: Việc xây dựng và phê duyệt "Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020", không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN, mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước giao. Chiến lược cũng xác định rõ những nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Chiến lược không chỉ là căn cứ để thúc đẩy phát triển hoạt động KTNN, mà còn là cơ sở để giám sát việc thực hiện các mục tiêu đối với tổ chức và hoạt động của KTNN.

Ðối với KTNN, việc ban hành Chiến lược là sự kiện rất quan trọng, một dấu son trong tiến trình 16 năm xây dựng và phát triển. Dấu ấn sau 10 năm thành lập là việc Luật KTNN được ban hành, có ý nghĩa rất to lớn trong hoạt động và phát triển của KTNN. Ðến nay, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ra Nghị quyết ban hành, đã xác định rất rõ quan điểm, mục tiêu phát triển cho chặng đường 10 năm tới, xác định rõ diện mạo cho KTNN trong tương lai.

Xét về khía cạnh cải cách tài chính công và công cuộc phòng, chống tham nhũng, Chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động  điều hành, quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Việc ban hành Chiến lược là rất phù hợp Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tiếp tục củng cố và tăng cường các cơ quan có chức năng trong phòng, chống  tham nhũng, bảo đảm thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi tiêu công và các nguồn lực công của nhà nước, qua đó phục vụ đắc lực Chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn (2011 - 2020) sẽ được quyết định tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

Việc ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, biểu hiện sinh động và cụ thể sự quan tâm của Ðảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đối với hoạt động và sự phát triển của KTNN.

PV: Chiến lược được xây dựng dựa trên quan điểm và đề ra mục tiêu phát triển KTNN như thế nào, thưa đồng chí?

Tổng KTNN Vương Ðình Huệ: Trong quá trình xây dựng Chiến lược, quan điểm phát triển KTNN đã được Ban cán sự  và Lãnh đạo KTNN cân nhắc hết sức cẩn trọng trên cơ sở quán triệt, tiếp thu một cách nghiêm túc tinh thần, ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, mà trực tiếp là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể là: Thứ nhất, phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Ðảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các địa phương. Thứ hai, phát triển KTNN bảo đảm quán triệt  và phù hợp các quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước  và bảo đảm tính độc lập đối với hoạt động kiểm toán nhà nước nhằm thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo quy định của pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trong công cuộc đổi mới. Thứ ba, phát triển KTNN phải bảo đảm quán triệt quan điểm cải cách hành chính nói chung, cải cách tài chính công nói riêng, xác định cho được quy mô hợp lý trong từng thời kỳ đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từng bước xây dựng cơ quan KTNN chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển hợp lý về số lượng và nâng cao về chất lượng, hết sức coi trọng về chất lượng, tinh gọn về bộ máy, tiết kiệm kinh phí, hoạt động hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý và hoạt động kiểm toán. Thứ tư, Nhà nước có chính sách ưu tiên thích đáng các nguồn lực cần thiết cho tổ chức bộ máy và hoạt động của KTNN, chính sách đầu tư phát triển công nghệ thông tin, chính sách hỗ trợ đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thứ năm, phát triển KTNN phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện  thực  tiễn  của  Việt Nam.

Ðể bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ CNH, HÐH và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là: "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, phù hợp các thông lệ và chuẩn mực quốc tế".

PV: Xin đồng chí cho biết những nội dung chính của Chiến lược để phát triển KTNN đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới?

Tổng KTNN Vương Ðình Huệ: Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, được ban hành kèm theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19-4-2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm có các nội dung chính: Hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN; phát triển hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và phát triển khoa học - công nghệ thông tin; hội nhập và hợp tác quốc tế về KTNN.

Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN gồm nhiều nội dung, trong đó trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN; thủ tục và thẩm quyền bổ nhiệm Tổng KTNN. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản luật và dưới luật.

Chiến lược xác định, tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN theo mô hình quản lý tập trung, thống nhất như hiện nay, gồm: các đơn vị tham mưu, các KTNN chuyên ngành ở Trung ương, các KTNN khu vực, các đơn vị sự nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thiện cơ cấu tổ chức của KTNN và đến năm 2020, bộ máy tổ chức của KTNN bảo đảm đồng bộ, có đủ cơ cấu và lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Ðối với nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý.

Về hội nhập và hợp tác quốc tế, tiếp tục tăng cường phát triển các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương sẵn có và mang tính truyền thống với các thành viên của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI)... Ðặc biệt Chiến lược đề ra khá cụ thể và đầy đủ các nội dung về nâng cao chất lượng kiểm toán một cách toàn diện trên ba mặt: năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán.

PV: Những điểm quan trọng trong quá trình xây dựng Chiến lược là gì và KTNN đã có kế hoạch, chương trình hành động gì để hiện thực hóa chiến lược này, thưa đồng chí?

Tổng KTNN Vương Ðình Huệ: Sau nhiều năm nghiên cứu lý luận và thực tiễn, ngay từ năm 2003, KTNN đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến 2010. Lúc đó Luật KTNN trong giai đoạn xây dựng, cho nên Chiến lược tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và phát triển cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu phát triển của KTNN theo quy định của Luật KTNN. 

Ðề án Chiến lược đã được Ban cán sự Ðảng KTNN nhiều lần định hướng hoàn thiện, được xây dựng trên cơ sở kế thừa Chiến lược trước đây và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Luật KTNN, nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế về tổ chức, hoạt động của các cơ quan kiểm toán tối cao, được sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia tư vấn Cộng hòa Liên bang Ðức, trong khuôn khổ dự án GTZ và hoàn thiện, tiếp thu ý kiến qua nhiều lần hội thảo, trong đó có hai cuộc hội thảo rộng rãi trong và ngoài ngành với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học có uy tín và hiểu biết sâu về hoạt động kiểm toán; đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ. Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng cũng đã làm việc với Ban cán sự Ðảng KTNN, cho ý kiến định hướng về việc xây dựng Chiến lược này và có thông báo bằng văn bản yêu cầu KTNN, Ban cán sự Ðảng KTNN hoàn chỉnh kỹ dự thảo, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm phê duyệt làm cơ sở cho định hướng hoạt động, hoàn thiện tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và cho việc xây dựng kế hoạch công tác hằng năm. Ðề án Chiến lược trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp tháng 7-2009, dự thảo Chiến lược đã được hoàn thiện lần cuối trước khi thông qua và ban hành. Như vậy có thể nói Chiến lược đã được nghiên cứu, xây dựng công phu và có tính khả thi cao.

Trong  Chiến lược đã có một mục riêng quy định về tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh về vai trò của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong việc chỉ đạo, giám sát, điều phối, theo dõi việc thực hiện, đồng thời đề xuất thực hiện một số dự án liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu KTNN, căn cứ vào Chiến lược để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, chương trình trong kế hoạch công tác hằng năm và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả; chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung Chiến lược đã đề cập. Ðặc biệt, định kỳ rà soát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện và các đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Chiến lược.

Ðể triển khai Chiến lược này cần có nhiều giải pháp đồng bộ giữa KTNN với các cơ quan hữu quan nói chung  và trong nội bộ KTNN. KTNN đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án trợ giúp kỹ thuật của Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh  (DFID) với sự tham gia của Cơ quan Kiểm toán Vương quốc Anh, xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN. Ðây là một kế hoạch toàn diện, bao gồm các nội dung về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo dựng khuôn mẫu về mặt nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở vật chất và công nghệ thông tin, hoàn thiện các phương pháp chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ... Trước mắt, Tổng KTNN và Ban cán sự Ðảng KTNN đã giao cho các đơn vị chức năng của ngành chuẩn bị một số đề án nhằm triển khai thực hiện Chiến lược. Cụ thể, giao cho Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì Ðề án hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và biên chế KTNN đến năm 2015 - mốc thời gian thứ nhất trong thực hiện Chiến lược, trong đó có đề cập nhiệm vụ cụ thể từng năm. Giao Văn phòng KTNN chủ trì xây dựng một số Ðề án về hoàn thiện cơ sở vật chất, gồm hệ thống trụ sở KTNN và cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho sự phát triển KTNN. Ðề án này sẽ sớm được trình Chính phủ để giải quyết bài toán hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của KTNN theo nội dung Chiến lược đã được phê chuẩn.

Về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, vừa qua KTNN đã thành lập một Ban chỉ đạo do Tổng KTNN trực tiếp làm trưởng ban, có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét trong thời gian thích hợp. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đề xuất về quy định một số điều liên quan đến địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp cũng đã được đặt ra.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

(Theo Mạnh Thuần // Nhandan Online)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi