Acer và Dell đang ráo riết tranh giành vị trí thương hiệu máy tính lớn thứ hai toàn cầu sau hãng HP. Acer qua mặt Dell chiếm được thứ hạng này từ quý 3 năm ngoái nhưng Dell đã giành lại ngôi á quân theo báo cáo doanh số máy tính trong quý 2 vừa được hãng nghiên cứu thị trường iSuppli công bố.
Tự sản xuất không lãi nhiều
Người tiêu dùng khi lựa chọn các thương hiệu Mỹ như Apple, HP và Dell hay các thương hiệu Đài Loan như Acer, Asus và MSI bây giờ chẳng có nghĩa lý gì nữa. Tất cả đều “made in China”. Ảnh: Netbooked |
Cả HP, Dell lẫn Acer đều cần có mỗi tuần gần một triệu máy tính. Cho nên các hãng này cùng lúc hợp đồng với năm, sáu hãng thầu sản xuất khác nhau. Tuy việc sản xuất gia công này giúp các thương hiệu lớn giảm giá thành và tăng lợi nhuận, hãng thầu chỉ hưởng lợi nhuận rất thấp. Vì thế các hãng này sẽ không ngừng chuyển nhà máy sang những khu vực có thể trả lương công nhân thấp hơn, hoặc tìm mọi cách tiết giảm chi phí. Chỉ cần tiết kiệm chi thêm 10 xu mỗi máy, họ có thể kiếm thêm 1 triệu USD với một hợp đồng sản xuất 10 triệu cái.
Tập đoàn Foxconn hay Hồng Hải của Đài Loan là hãng thầu sản xuất điện thoại di động và máy chơi game lớn nhất thế giới. Foxconn có tổng doanh số còn lớn hơn cả Apple, Microsoft hay Dell. Chuyện các công nhân của Foxconn tự tử vừa qua đã làm tăng tiếng tăm cho Apple nhưng lại gây thiệt hại cho Foxconn vì hãng này phải tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc trong nhà máy. Trong sáu tháng đầu năm 2010, Foxconn lỗ 142,6 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 18,7 triệu USD. Trong cùng thời gian này, Apple lãi 6,3 tỉ USD.
Nay, rất hiếm laptop và thiết bị di động sản xuất bởi chính công ty gắn thương hiệu trên máy. Chúng ra lò từ các hãng thầu sản xuất và hầu hết đều đặt nhà máy ở Trung Quốc. Rốt cuộc những hãng sản xuất máy tính thật sự lớn nhất thế giới lại là những công ty mà ít người tiêu dùng biết tên: Compal, Quanta, Wistron hay Foxconn...
Thiết kế và tiếp thị quan trọng hơn
Giải pháp cho những hãng thầu sản xuất nào muốn 40 tỉ USD mà Apple đang cất trong ngân hàng là phải phát triển những thiết kế độc đáo riêng và xây dựng thương hiệu riêng để có thể bán sản phẩm giá cao.
Acer là một trong những công ty đầu tiên nhận ra điều đó. Từ đầu, Acer đã tập trung hết 80% nguồn lực cho công đoạn giữa là sản xuất, chỉ dành 10% cho công đoạn thiết kế đầu tiên và 10% cho tiếp thị cuối cùng. Acer đã phải thay đổi và dành ưu tiên nguồn lực cho thiết kế và tiếp thị. Nhà tài phiệt Stan Shih – người lập ra hãng Acer – hai năm trước đã tuyên bố: “Thời sản xuất gia công đã sắp kết liễu. Muốn nâng tầm lên, chúng ta phải đầu tư vào xây dựng thương hiệu ngay bây giờ”.
Vậy số phận của những công nhân sản xuất ở Acer thì sao? Acer lập ra hãng sản xuất gia công Wistron hiện nay có 40.000 nhân viên. Gần đây, Asus – do một thành viên cũ của Acer sáng lập – cũng lập ra hãng Pegatron chuyên thầu sản xuất laptop cho các thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu và tiến lên thị trường cao cấp không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng Acer và Asus đang làm được và đã trở thành những thương hiệu máy tính lớn của châu Á. Sự phát triển của Acer và các hãng Đài Loan khác đã làm thay đổi cách nhìn về thương hiệu của sản phẩm di động. Những cân nhắc quen thuộc của người tiêu dùng khi lựa chọn các thương hiệu Mỹ như Apple, HP và Dell hay các thương hiệu Đài Loan như Acer, Asus và MSI bây giờ chẳng có nghĩa lý gì nữa. Tất cả đều “made in China”.
(Theo Trần Ngọc Đăng // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com