Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) triển khai công nghệ di động thế hệ thứ 4 (4G). Việc cập nhật công nghệ di động tiên tiến nhất mà thế giới đã áp dụng là bình thường. Tuy nhiên, theo nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động, việc triển khai 3G đang ở giai đoạn đầu, còn khó khăn, liệu ước mơ 4G có xa vời?
Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tại một cửa hàng của Viettel mobile. Ảnh: T. Hải
Kể từ khi nhà mạng đầu tiên khai trương 3G (tháng 10-2009) đến thời điểm này đã gần 10 tháng. Theo số liệu mà các mạng đã triển khai, số thuê bao lên tới 15 triệu. Song, khi Bộ TT-TT kiểm tra (tháng 4-2010), dựa trên số liệu phát sinh thực tế, số thuê bao của các nhà mạng chỉ khiêm tốn ở mức 7 triệu. Có thông tin cho rằng, nếu căn cứ trên một mức cước cụ thể nào đó mà khách hàng dùng 3G trong tháng, lượng thuê bao 3G còn thấp hơn con số 7 triệu mà Bộ TT-TT đã công bố. Điều này phản ánh thực tế, người sử dụng di động ở nước ta chủ yếu vẫn là thoại và tin nhắn, họ chỉ dùng 3G để "lướt net", số ít dùng video call (gọi điện thấy hình). Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, là các nhà cung cấp dịch vụ di động (có 4 DN triển khai 3G gồm Vinaphone, Mobifone, Viettel, EVN Telecom) đưa quá ít dịch vụ nội dung cho loại hình này, có nghĩa là các ứng dụng trên nền công nghệ 3G còn nghèo và chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Đầu tư vốn lớn, song doanh thu từ thuê bao lại thấp đang gây không ít lo ngại cho DN dù vẫn biết rằng quá trình phổ cập 3G phải có thời gian. Thực tế, tại một số nước phát triển trên thế giới, cũng phải mất 2-3 năm kể từ ngày được cấp phép, các mạng di động mới có lãi cao nhờ số lượng thuê bao 3G tăng nhanh. Mặt khác, công nghệ 3G giúp các nhà mạng giải quyết được nhiều vấn đề mà họ gặp khó khăn về kỹ thuật hạ tầng mạng lưới, điều mà công nghệ 2G không làm được.
Một số nước trên thế giới bắt đầu triển khai công nghệ 4G. Xét về mặt công nghệ, mạng di động 4G thiên về việc truyền dữ liệu hơn là phục vụ cho các tính năng thoại (có tốc độ lý thuyết nhanh hơn gấp 7 lần so với mạng 3G). So sánh về sự khác biệt giữa 4G và 3G, người ta ví von giống như việc xem truyền hình trên ti vi HD với ti vi thường… Các thông tin về triển khai 4G còn cho thấy, nếu xây dựng mạng này, DN cũng phải bỏ ra lượng vốn không nhỏ cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, 4G có ưu thế về dữ liệu, nên khi phổ cập dịch vụ này sẽ góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị. Vì hiện nay sử dụng internet ở nước ta chủ yếu qua đường ADSL nghĩa là phải dùng cáp đồng, kéo theo một hệ thống dây chằng chịt… tạo thành những "mạng nhện". Do đó, các chuyên gia cho rằng, tuy đầu tư cho 4G lớn nhưng tiết kiệm được việc kéo cáp quang. Bên cạnh đó, các nhà mạng có hai lựa chọn để xây dựng 4G, đó là chọn theo công nghệ Wimax hay LTE.
Tại Việt Nam, Wimax đã được Bộ TT-TT cấp phép thử nghiệm cho các DN trong nước từ 4 năm nay (tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị nào xin triển khai). Như vậy, ở khía cạnh nào đó, Wimax có lợi thế đi trước. Nhưng, LTE lại có một ưu thế không nhỏ, đó là nhà mạng tận dụng được ưu thế hạ tầng 3G sẵn có… Vì vậy, khi họp với các DN lấy ý kiến về 4G, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng khẳng định, chỉ giới thiệu dịch vụ, thực hiện quy hoạch băng tần, chứ không ép nhà mạng lựa chọn công nghệ. Cùng quan điểm này, lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện cũng cho biết, các DN cần thận trọng trong việc đánh giá, nghiên cứu kỹ thị trường trước khi quyết định có triển khai 4G hay không.