Theo công bố tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề "Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính nhà nước”, chỉ số sẵn sàng cho Chính phủ điện tử của Việt Nam đã được cải thiện.
Sau 3 năm, chỉ số Chính phủ Việt Nam đã tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng thế giới, từ vị trí 105 năm 2005 lên 91 năm 2008. Tuy nhiên, chỉ số này của chúng ta vẫn kém xa so với các nước trong khu vực và châu lục như Singapore, Hàn quốc... về ứng dụng, tiếp cận dịch vụ hành chính công.
Vai trò đầu tàu còn hạn chế
Năm 2008, có 20/22 bộ ngành, 59/63 tỉnh có website ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhưng chỉ cố 5 đơn vị đạt tiêu chuẩn. Một số tỉnh như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và cả tỉnh nghèo như Lào Cai vượt trội hơn các tỉnh, thành phố khác song mức độ không cao.
Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ đều có Website cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công ở mức độ 1-2. Trên 90% cơ quan cấp tỉnh có kết nối Intenet trong đó 80% sử dụng kết nối băng rộng. 50% cán bộ biết sử dụng máy tính… Nhưng, chỉ có duy nhất Website của Bộ Ngoại giao cung cấp dịch vụ hành chính công ở mức độ 4.
Nguyên nhân của sự chậm chạp này theo nhận định khá đồng nhất của các chuyên gia về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các chuyên gia về cải cách hành chính thì "không phải là công nghệ mà do vai trò đầu tầu, chỉ đạo về Chính phủ điện tử và công nghệ thông tin của Việt Nam còn hạn chế".
Có thực tế là từ 2001, chính phủ đã chủ trương cải cách hành chính, nhưng đến nay tiến độ này vẫn chậm, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh sự thiếu "quyết liệt" của vai trò "đầu tàu" thì việc thiếu nguồn lực có kỹ năng công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đến việc truyền bá công nghệ và năng lực công nghê thông tin cho lĩnh vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Đề ra mục tiêu chiến lược là tốt song từ chủ trương đến thực hiện luôn là vấn đề. Triển khai tốt hay không, phụ thuộc phần lớn vào nhận thức, chỉ đạo của lãnh đạo của người đứng đầu”, tiến sĩ Đinh Duy Hòa, Viện trưởng Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói. Theo ông Hòa, để ứng dụng công nghệ thông tin cho cơ chế một cửa tại các đơn vị cấp huyện, ngân sách cấp tỉnh phải chi phí 700 triệu đồng. Nhưng do thiếu gắn kết giữa cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin nên vẫn “mạnh ai lấy làm”.
Thay vì tự lo như hiện nay, ông Hòa đề xuất, cần bảo đảm sự đồng bộ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. “Đặc biệt là giải pháp chuẩn về công nghệ thông tin áp dụng rộng rãi trong các cơ quan hành chính, chẳng hạn như ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ chế một cửa”, ông Hòa nói.
Cũng với quan điểm đó, tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng, điều phối viên Ngân hàng Thế giới cho rằng: " “Việt Nam đã có Luật công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo song còn thiếu một thể chế về công nghệ thông tin”. Ông Dũng nhấn mạnh rằng, về tầm nhìn ứng dụng công nghệ thông tin 2009-2010, cần phải có một tầm nhìn "tham vọng”. Nếu nó khiêm tốn quá sẽ không thúc đẩy được quá trình thực hiện.
Trong khuôn khổ, tiêu chuẩn tương hợp, Việt Nam nên tăng cường vai trò chỉ đạo chính phủ điện tử và công nghệ thông tin quốc gia, “phải làm cho chiến lược chính phủ điện tử hướng đến người dân nhiều hơn” ông Dũng nói. Song song đó là thực hiện cách tiếp cận kiến trúc doanh nghiệp từ trung ương xuống đến địa phương và ngược lại nhằm thắt chặt quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư.
Đến với Chính phủ điện tử bằng “cả hai chân”
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết: Đảng, Chính phủ Việt Nam chủ trương triển khai đẩy mạnh tin học hóa cải cách hành chính nhà nước theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực và bền vững.
Nhiều cuộc giao ban, hội nghị của Chính phủ và các bộ, ngành đã được thực hiện qua hình thức trực tuyến. Những năm gần đây, nhiều dự án liên quan đến Chính phủ điện tử đã được triển khai, bước đầu đạt kết quả khả quan. Việc thúc đẩy quá trình tin học hóa trong cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đã góp phần nhất định tạo chuyển biến trong cơ quan hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc với cơ quan hành chính thuận tiện, hiệu quả, tiết kiệm hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết: Để đạt mục tiêu đi nhanh và bền vững nhằm có một Chính phủ điện tử là một thách thức trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin còn bất cập, cơ chế quản lý đầu tư liên quan đến các dự án công nghệ thông tin chưa hoàn thiện.
Một sự thật hiển nhiên là áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả vào hành chính và xây dựng chính phủ điện tử sẽ góp phần quan trọng xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng nhất thiết ứng dụng đồng bộ Icông nghệ thông tin và truyền thồng phải song hành với quá trình cải cách hành chính. Đây là hai việc không thể tách rời với tính chất tương hỗ.
Cho kế hoạch gần (2009-2010), Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng tầm nhìn và định hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài nhiệm vụ xây dựng nền tảng cho chính phủ điện tử, môi trường pháp lý, hệ thống bảo đảm an toàn thông tin… Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ có 60% thông tin điều hành trên mạng, 80% cổng thông tin điện tử phục vụ người dân doanh nghiệp…
(Theo Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com