Mạng điện thoại 3G cần thêm nhiều dịch vụ để thu hút người tiêu dùng
Nản lòng nhà cung cấp?
Vinaphone nổ phát súng đầu tiên cho cuộc đua 3G ở VN từ tháng 10-2009 và tung ra 6 dịch vụ chính được xem là “hot” tại 2 thị trường 3G phát triển mạnh nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, như Mobile Internet, Mobile Broadband, Video call, Mobile TV, Mobile Camera, 3G Portal. Tiếp đó, tháng 12-2009, Mobifone cũng cung cấp 4 dịch vụ chính trên nền 3G gồm Video Call, Mobile Internet, Mobile TV và Fast Connect. Còn Viettel mặc dù đang trong quá trình cung cấp thử nghiệm nhưng cũng kịp ra mắt 11 dịch vụ và ứng dụng lớn nhỏ từ hơn 2 tháng nay.
Phụ thuộc sự phối hợp của ba nhà Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, doanh nghiệp ông đã thiết kế và thử nghiệm hàng loạt dịch vụ GTGT trên nền mạng 3G như ca nhạc, truyền hình theo yêu cầu, banking... Tuy nhiên theo ông Hà, điều quan trọng không phải là các doanh nghiệp có dịch vụ là đã có ngay được khách hàng bởi để có được thị trường cần định hướng tiêu dùng cho khách hàng. Điều này phụ thuộc vào cả 3 nhà: Nhà khai thác mạng, nhà cung cấp nội dung và nhà cung cấp thiết bị đầu cuối. Ba nhà này phải bắt tay tập trung truyền thông đến thị trường một thông điệp cốt lõi của 3G hay 4G sau này là điện thoại sẽ như chiếc máy tính, tivi di động...
Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa nhà mạng nào công bố chính thức về lỗ lãi của dịch vụ 3G đã cung cấp. Thực tế, qua 4 tháng 3G có mặt tại VN, dịch vụ này vẫn chưa tạo được sự thay đổi gì đáng kể về thói quen sử dụng di động.tỉ lệ khách tiếp cận và sử dụng các dịch vụ 3G hiện vẫn còn rất nhỏ so với số đông người sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý tại các diễn đàn trên internet cho rằng dịch vụ 3G của các nhà mạng vẫn còn nghèo nàn và cần có thêm các tiện ích khác như video streaming, định vị toàn cầu, audio streaming, game online, radio online, dịch vụ điều khiển giám sát từ xa...
Cùng với dịch vụ chưa hấp dẫn và phức tạp khi cài đặt và lựa chọn gói cước sử dụng... thì tốc độ truy cập 3G cũng bị ta thán nhiều.
Mặc dù các nhà mạng công bố tốc độ đạt tới 7,2 Mbps nhưng thực tế dịch vụ Mobile TV, thậm chí vẫn bị giựt hình và thường khó sử dụng khi chủ thuê bao ở trong nhà kín...
Trong khi đó, tổng số tiền mà 5 nhà cung cấp mạng di động cam kết chi cho phát triển mạng 3G đến khi hoàn chỉnh là gần 2 tỉ USD - một con số thật khổng lồ. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel, thừa nhận: Đầu tư hạ tầng 3G là rất lớn nhưng trong thời gian ngắn tới đây, doanh thu từ các dịch vụ này sẽ vẫn còn hạn chế. Các nhà mạng đầu tư 3G là nhắm đến dài hạn khoảng từ 5 đến 10 năm sau. Ông Lâm Hồng Vinh,Giám đốc Vinaphone, cũng cho rằng để thu hồi vốn 3G, Vinaphone xác định phải sau 7 năm kể từ ngày cung cấp dịch vụ...
Phải chăng, lực cản về vốn đầu tư và sự lạnh nhạt của người tiêu dùng đã làm nản lòng các nhà mạng trong việc tăng tốc thúc đẩy 3G đi vào cuộc sống?
Cần đồng bộ hóa
Đại diện của Mobifone cho hay trong năm 2010, mạng này sẽ tung ra thị trường thêm 20 dịch vụ GTGT, dịch vụ nội dung mới dựa trên nền internet băng rộng như video theo yêu cầu, mobimarketing, mobibanking... Phía Viettel và Vinaphone cũng thông tin sẽ bổ sung hàng loạt dịch vụ GTGT mới trong năm nay. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Viettel Telecom Nguyễn Việt Dũng cho rằng dịch vụ 3G muốn phát triển phải có được mạng internet băng rộng tốc độ cao như đường truyền cáp quang thì mới phát triển được ứng dụng nhằm thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ.
Theo ông Dũng, nếu không có “con đường cao tốc” này thì chẳng nhà cung cấp nội dung nào bỏ tiền đầu tư sản xuất các ứng dụng vì sẽ rơi vào cảnh quẳng tiền qua cửa sổ. Ông Dũng cho biết hiện trong nước đã có hàng trăm đơn vị cung cấp nội dung muốn bắt tay nhà mạng với nhiều sản phẩm rất đa dạng nhưng việc thành công hay không còn phải chờ sự chấp nhận của thị trường.
Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Phạm Ngọc Tú, Phó Phòng Kinh doanh Vinaphone, cho hay không có mạng băng rộng di động thì mọi ứng dụng cũng chỉ là làm cho có mà chưa thể thu hút khách hàng...
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông VMG, cho biết tạm thời 3G chưa thực sự khởi sắc ở VN là do nhiều yếu tố như vùng phủ sóng hẹp, chất lượng sóng chưa ổn định và nội dung, ứng dụng không phù hợp với hầu hết thiết bị đầu cuối. Theo ông, không có loại máy nào có thể ứng dụng tất cả các dịch vụ GTGT do sử dụng hệ điều hành khác nhau, phần mềm khác nhau nên nhà cung cấp dịch vụ phải cập nhật liên tục dịch vụ cho các phiên bản đầu cuối khác nhau. Một bài toán nữa là giá cước hiện khá rối rắm và quá nhiều gói cước khác nhau như cước vào web, xem tivi, nghe nhạc... đã tạo ra rào cản cho khách hàng và làm họ e ngại...
“Các nhà cung cấp VN nên học tập Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có thị trường 3G và 4G phát triển rất mạnh vì đã nhất quán và đồng bộ hóa 3 vấn đề cốt lõi là công nghệ, thiết bị đầu cuối và quản lý dịch vụ nội dung”- ông Hà góp ý.
(Theo Thế Dũng // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com