Quầy tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. |
Việc đầu tư cho hệ thống CNTT tại các bệnh viện là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hồ sơ cho bệnh nhân, từ đó giúp cải tiến quy trình khám chữa bệnh và nâng cấp trình độ quản lý bệnh viện…
Bệnh viện Nhân dân Gia Định là bệnh viện đa khoa với khoảng 1.400 nhân viên, có quy mô hơn 1.200 giường bệnh và khoảng 3.000 lượt người được khám chữa bệnh hằng ngày. Năm 2008, Bệnh viện Nhân dân Gia Định hợp tác với Công ty FIS SOFT khảo sát quy trình hoạt động của bệnh viện để xây dựng phần mềm quản lý tổng thể. Phần mềm e-Hospital được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ bộ phận quản lý bệnh nhân diện bảo hiểm y tế đến bộ phận điều trị nội, ngoại trú, khám chữa bệnh, dược, hành chính văn phòng… và đến nay bệnh viện đã hoàn tất việc kết nối toàn bộ hệ thống để phục vụ cho quy trình quản lý và hoạt động chuyên môn. Giảm thủ tục cho bệnh nhân Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết trước đó bệnh viện đã sử dụng những phần mềm riêng lẻ như kế toán-tài chính, khoa dược, quản lý bệnh nhân… mang tính cục bộ nên không chuyển tải được thông tin giữa các bộ phận. Chính vì thế, ban giám đốc đã nỗ lực triển khai chương trình tổng thể nhằm thống nhất hệ thống thông tin của bệnh viện. Việc đầu tư được phân ra nhiều giai đoạn, vừa để rút kinh nghiệm ở từng giai đoạn vừa tránh lãng phí và bảo đảm cho nhân viên hoàn thành công việc hiện hữu vốn cũng đang là quá tải đối với họ. Quá trình triển khai đã chuyển đổi các chương trình cũ, lạc hậu trở thành một cơ sở dữ liệu tổng hợp, có hệ thống để phục vụ cho việc quản lý và hoạt động chuyên môn. Theo ông Dũng, hiệu quả rõ ràng nhất của việc ứng dụng CNTT là cải tiến được thủ tục hành chính ngay từ khâu tiếp nhận bệnh nhân và từ đó giảm tải cho các khâu quản lý của bệnh viện, xây dựng một quy trình khám chữa bệnh khoa học, giảm đi nhiều thủ tục. Mỗi bệnh nhân có một mã số y tế cho suốt quá trình sử dụng dịch vụ tại bệnh viện và dữ liệu thống nhất, giúp cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án được thuận tiện. Trước đây, ban giám đốc muốn có được báo cáo tổng hợp phải chờ việc thống kê riêng lẻ của từng bộ phận trong cả tuần, thậm chí hàng tháng, nay chương trình có thể đưa ra các chỉ số thống kê hằng ngày. Thủ tục tiếp nhận bệnh nhân đã nhanh hơn trước rất nhiều. Mỗi bệnh nhân đến khám chữa bệnh được nhân viên ghi nhận các thông tin cá nhân tại quầy tiếp nhận và được cấp mã số y tế. Các khoa, phòng khác chỉ cần nhập mã số y tế là có đủ thông tin về bệnh nhân, tình hình khám chữa bệnh trong quá khứ cũng như hiện tại. Thông tin này sẽ được truy xuất từ dữ liệu của hệ thống khi bệnh nhân đến tái khám mà không phải thực hiện thủ tục lại từ đầu, giúp rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Thuận lợi cho bệnh nhân cũng chính là thuận lợi cho bác sĩ. Khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ đã nắm được các tường trình về khám chữa bệnh như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật… của bệnh nhân trước đó. Khi kê toa thuốc, nhờ biết rõ số lượng, chủng loại thuốc của quầy dược mà bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp, tránh tình trạng bác sĩ thì kê toa mà bệnh viện thì hết thuốc. Các khâu ghi chép được giảm thiểu và bác sĩ có thể dành thời gian nhiều hơn cho việc tư vấn cho bệnh nhân. Trong khi đó, nhân viên thu ngân chỉ cần quét mã vạch là có đủ thông tin thu phí, vừa giải quyết được sự ùn tắc vốn thường xuyên xảy ra tại quầy thu viện phí, vừa bảo đảm tính chính xác của các khoản thu. Bộ phận dược không cần phải nhập dữ liệu từng loại thuốc vì chương trình đã hỗ trợ toàn bộ danh sách thuốc trong toa đã được nhập ngay tại phòng khám. Trước khi cho bệnh nhân nhập viện, nhân viên phòng khám hay phòng cấp cứu cũng tham khảo được tình hình giường bệnh một cách nhanh chóng và chính xác để sắp xếp cho từng người bệnh. Hướng tới tiêu chuẩn cao hơn Ông Vương Quang Hậu, Phó giám đốc Trung tâm Phần mềm y tế-giáo dục, Công ty Phát triển phần mềm FPT (FIS SOFT), cho biết việc triển khai CNTT tại các bệnh viện hiện không gặp nhiều khó khăn như trước đây, nhờ các bệnh viện đã ý thức được tầm quan trọng của CNTT và đánh giá được quy mô đầu tư tương xứng với nhu cầu. Chỉ thị của Bộ Y tế về việc “ứng dụng CNTT là một trong những ưu tiên để đầu tư phát triển ngành y tế trong năm 2009-2010” cũng đã thúc đẩy các bệnh viện quyết tâm đầu tư cho CNTT. Nếu trước đây các bệnh viện tư thường linh hoạt hơn bệnh viện công trong việc đầu tư cho CNTT thì nay khoảng cách này đã được rút ngắn. Cơ chế tự chủ về tài chính đã cho phép các bệnh viện công chủ động hơn để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng khám chữa bệnh. Các bệnh viện cũng sẵn sàng phối hợp với công ty triển khai phần mềm để cải tiến quy trình quản lý bệnh viện, việc triển khai nhờ thế ngày càng thuận lợi hơn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện công. Trong suốt quá trình triển khai dự án, y bác sĩ và nhân viên bệnh viện vừa phải tiếp nhận hệ thống quản lý mới, vừa phải bảo đảm công tác khám chữa bệnh theo quy trình cũ… Điều này tạo nên áp lực rất lớn trong công việc, làm cho họ khó toàn tâm toàn ý cho việc ứng dụng CNTT. Bệnh viện càng lớn thì việc triển khai càng khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất cao từ ban lãnh đạo đến người dùng cuối. Để thành công, cả đơn vị ứng dụng và doanh nghiệp triển khai phần mềm phải thống nhất được phương pháp thực hiện và có sự phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai dự án. Điều này lý giải vì sao rất nhiều bệnh viện lớn đến nay vẫn còn quản lý theo kiểu thủ công hoặc chưa thể triển khai được hệ thống CNTT tổng thể. Ngoài Bệnh viện Nhân dân Gia Định, phần mềm e-Hospital đã được FIS SOFT triển khai thành công tại khoảng 20 bệnh viện khác như Nhiệt Đới, 175, Răng-Hàm-Mặt TP.HCM, An Sinh, Tai-Mũi-Họng Sài Gòn, Đại học Y Dược TP.HCM… Ông Hậu cho biết, chương trình phần mềm CNTT ngoài việc phục vụ công tác chuyên môn, quản lý tại bệnh viện, còn phải bảo đảm kết chuyển số liệu theo chương trình báo cáo thống kê chung của Bộ Y tế. Trong tương lai, khi mức độ ứng dụng CNTT của toàn ngành cao hơn thì yêu cầu về sự liên thông dữ liệu là điều tất yếu. Hệ thống phần mềm vì thế phải được phát triển theo quy trình chuyên nghiệp và đạt tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng mở rộng và kết nối dễ dàng với dữ liệu chung của toàn ngành. Việc kết xuất dữ liệu cũng phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế HL7 để có thể đưa bệnh án điện tử ra nước ngoài hội chẩn khi cần thiết. Ông Hậu cho biết, trước mắt FIS SOFT sẽ kết nối các bệnh viện đang sử dụng phần mềm của FPT sao cho mỗi bệnh nhân chỉ dùng một thẻ y tế và khi người bệnh chuyển viện trong cùng hệ thống thì bệnh án điện tử đã có sẵn, phục vụ kịp thời công tác cấp cứu, chữa bệnh, hội chẩn… Đặc biệt trong năm 2009, FIS SOFT đã triển khai hệ thống quản lý tổng thể ngành y tế cho tỉnh Đồng Nai, bao gồm ba mảng ứng dụng kết nối, gồm y tế điều trị (các bệnh viện), y tế dự phòng (các trung tâm y tế tỉnh, huyện và trạm y tế xã) và y tế quản lý (sở y tế). Ông Hậu kỳ vọng, hệ thống tổng thể CNTT đầu tiên này sẽ mang lại nhiều trải nghiệm quý giá cho việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế, từ đó FIS SOFT có thể nâng cao năng lực của mình trong việc triển khai các dự án tổng thể cho ngành y tế trên cả nước.
(Theo Tuyết Ân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com