Core 2 Duo - dòng CPU cho máy tính để bàn và laptop - đang dần bị các CPU Core iX mới lấn sân
Một trong những câu hỏi thường được người tiêu dùng đặt ra gần đây khi mua máy tính để bàn và laptop là nên chọn Core 2 Duo - “cựu binh” danh tiếng của Intel hay các mẫu Core i3 - dòng CPU giá rẻ mới.
Dòng CPU Core 2 Duo cho laptop đã ra đời gần 3 năm trở lại đây với các phiên bản ngày càng tiên tiến hơn nhưng hiện đang bị các CPU Core iX mới lấn sân. Trong đó, đáng chú ý nhất là Core i3 với nhiều điểm tương đồng với Core 2 Duo như CPU lõi kép, mức xung nhịp, giá thành và một số đặc tính công nghệ.
Core i3 hiệu quả hơn
Những bộ xử lý Core 2 Duo dựa trên kiến trúc Core 2. Đây là kiến trúc thành công nhất của Intel khi thay thế Pentium trước đây, đồng thời giúp cho Intel trở lại vị trí đầu bảng trong làng sản xuất vi xử lý. Còn Core i3 thì dựa trên nền tảng Nehalem mới hơn, có nhiều ưu điểm hơn so với Core 2, chẳng hạn được tối ưu cho các bộ xử lý lõi tứ, có công nghệ siêu phân luồng và tận dụng được Turbo Boost nhằm tăng xung nhịp cho bộ xử lý.
Các CPU Core i3 mới cũng được sản xuất trên dây chuyền 32nm nên hoạt động hiệu quả hơn phần lớn các mẫu Core 2 Duo (45nm). Core i3 có khối điều khiển bộ nhớ DDR3 tích hợp sẵn trong CPU nên quản lý RAM tốt hơn hẳn các dòng Core 2 Duo vốn phải giao tiếp với bộ nhớ chính thông qua chipset cầu Bắc (độ trễ cao hơn).
CPU Core i3 cũng tích hợp sẵn bộ xử lý đồ họa Intel HD trên cùng đế chip thay vì phải trông đợi vào chipset cầu Bắc bên ngoài như trước đây. Kiến trúc mới này giúp tốc độ đồ họa tích hợp nhanh hơn, tiêu thụ ít điện và tỏa nhiệt ít hơn. Ngoài ra, theo Intel, đồ họa thế hệ mới trong CPU Core i3 có khả năng xử lý các nội dung số HD tốt hơn so với thế hệ cũ - một ưu thế của các CPU mới này.
Tuy nhiên, do Core i3 là phiên bản thấp nhất của kiến trúc Nehalem nên không ít tính năng của dòng CPU này bị vô hiệu hóa hoặc hạ thấp.
Core 2 Duo tiết kiệm điện
Nhiều CPU Core i3 mới Hiện Intel cung cấp rất nhiều CPU Core i3 mới như i3-370M, 350M hay 330M cho laptop và 550, 540, 530 cho hệ máy để bàn. Các dòng với cùng nhóm số hiệu chủ yếu chỉ khác biệt về xung nhịp vận hành. Các thông số khác đều giống nhau, ví dụ như bộ đệm 4MB (trên các mẫu 5xx) hay 3MB (trên các mẫu 3xx), tốc độ bus giao tiếp là 2.5 GT/s... |
Core i3 tiêu tốn nhiều điện hơn Core 2 Duo (TDP lên tới 73W so với 65W của Core 2 Duo phiên bản cho máy bàn và tương ứng 35W so với 25W đối với các phiên bản của laptop). Do có hiệu năng cao nên CPU sẽ chuyển ngay vào trạng thái nghỉ sau khi xử lý xong công việc. Như vậy, CPU nào nhanh hơn thì được nghỉ nhiều hơn và kết quả là tiết kiệm được lượng điện nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố giúp san bằng sự khác biệt về năng lượng tiêu thụ giữa hai dòng CPU.
Mới đây, phiên bản Core i3 số hiệu 330UM đã được giới thiệu. CPU này có xung nhịp 1.2 GHz, TDP chỉ 18W và được sử dụng trong các hệ máy CULV. Điều này càng tạo ưu thế cho dải CPU mới.
Tóm lại, Core i3 có nhiều ưu thế hơn Core 2 Duo, đặc biệt là ở khía cạnh nền tảng mới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Core 2 Duo chỉ là... đồ bỏ mà vẫn có hiệu năng nhanh đáp ứng hầu hết ứng dụng, thậm chí có nhiều mẫu nhanh hơn Core i3 khá nhiều.
Dù vậy, nền tảng của Core 2 Duo đã cũ và đang dần bị loại bỏ; còn Core i3 thì dù chỉ là phiên bản phổ thông nhưng có nhiều đặc tính đời mới đáng để xem xét.
(Theo Hoàng Linh // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com