Ngay sau khi kết quả thi tuyển giấy phép 3G được công bố, vấn đề nhiều người quan tâm hơn cả là giá cước di động có rẻ hơn và người sử dụng được hưởng lợi gì từ việc này.
Khách hàng được hưởng một loạt các tiện ích khi sử dụng mạng di động 3G Ảnh: Hồng Vĩnh |
Chạy đua
Ông Hoàng Sơn - Giám đốc Cty Viettel Telecom khẳng định mạng này cam kết trong ba năm đầu sẽ chi tới gần 13.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng 3G.
“Khoảng chín tháng sau khi nhận được giấy phép, chúng tôi sẽ khai trương dịch vụ 3G với vùng phủ sóng tới 86,5 phần trăm dân số và khoảng 5.000 trạm thu phát sóng. Tổng số tiền Viettel dự kiến sẽ đầu tư 1,5 - 1,8 tỷ USD trong 15 năm thời hạn của giấy phép 3G” – Ông Hoàng Sơn nói.
Đứng thứ hai về số tiền đầu tư dịch vụ của các doanh nghiệp trúng tuyển giấy phép 3G là VNPT, đơn vị sở hữu Cty Vinaphone, với 9.556 tỷ đồng.
Không tiết lộ số tiền đầu tư, Phó Giám đốc VMS MobiFone, ông Đỗ Vũ Anh cam kết mạng này sẽ phủ sóng 3G tới 100 phần trăm các đô thị trên 63 tỉnh thành theo cấp độ ưu tiên giảm dần, từ đô thị đông dân đến ngoại ô, nông thôn và tuyến quốc lộ.
Ông Hoàng Trung Hải - Phó Giám đốc VinaPhone nói mạng này sẽ sử dụng công nghệ theo chuẩn WCDMA 2100Mhz. Đây là một trong các công nghệ về 3G tiên tiến nhất hiện nay, phù hợp cho các mạng GSM 2G khi chuyển tiếp lên 3G.
Đại diện EVN Telecom cho biết, liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom dự kiến đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho triển khai 3G trong ba năm đầu tiên. Dự kiến, khoảng chín tháng sau khi được cấp phép, liên danh sẽ cung cấp dịch vụ 3G, với vùng phủ sóng 50 phần trăm dân cư.
Dù không có mặt trong số các nhà mạng được chính thức cấp phép triển khai 3G, ông Alexey Blyumin, Tổng Giám đốc GTEL Mobile cho hay mạng này đang xem xét khả năng hợp tác với nhà mạng khác tại Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ và triển khai 3G.
Khách hàng được gì?
“Khi 3G được triển khai, những nơi xa xôi, thậm chí là ở hải đảo, bản làng, đều được truy cập Internet với tốc độ cao” - Ông Hoàng Trung Hải - Phó Giám đốc Thường trực Vinaphone nói.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám đốc phụ trách chiến lược kinh doanh của Viettel Telecom, cho biết việc được cấp phép cung cấp dịch vụ 3G cũng đồng nghĩa đặt các nhà cung cấp dịch vụ vào một cuộc chạy đua mới cả về giá cước lẫn phát triển thuê bao.
Về lợi ích mà người sử dụng di động được hưởng khi triển khai cung cấp 3G, ông Dũng cho biết, với việc sử dụng ngay chuẩn HSPA (3,75G), tốc độ truy cập Internet di dộng của Viettel sẽ đạt mức tối thiểu 2Mbps tại khu vực thành phố, cao hơn năm lần so với yêu cầu đưa ra (384kbps).
Giá cước dịch vụ thoại và tin nhắn của Viettel dự kiến sẽ tương đương giá cước của 2G, công nghệ di động đang được sử dụng hiện nay. Giá cước các dịch vụ giá trị gia tăng cũng sẽ giảm từ 10 - 15 lần so với giá cước truy cập qua giao thức GPRS hiện tại. Theo ông Dũng, dịch vụ truy nhập Internet bằng máy tính qua mạng di động sẽ tương đương giá cước của dịch vụ ADSL.
“Chúng tôi cũng chuẩn bị thiết kế những gói cước riêng dành cho từng nhóm đối tượng khách hàng dựa trên nhu cầu sử dụng, đảm bảo mức giá cạnh tranh tốt nhất so với các đối thủ khác” - Ông Dũng khẳng định.
Đại diện MobiFone cho biết, ngay trong tháng tới, sẽ triển khai giai đoạn hai của gói dịch vụ Fast Connect với tốc độ gấp hơn 20 lần hiện tại và người sử dụng sẽ được hưởng mức giá cước rất cạnh tranh. Theo ông Đỗ Vũ Anh, MobiFone sẽ triển khai công nghệ HSPA với tốc độ đường truyền lên tới 7.2Mb để khách hàng mạng MobiFone truy cập internet, e-mail “nhanh đến bất ngờ” – như lời của ông Vũ Anh.
Bốn doanh nghiệp được cấp giấy phép triển khai cung cấp dịch vụ với số điểm lần lượt là Viettel đạt 966/1.000 điểm; VNPT đạt 620/1.000; MobiFone 563 điểm, liên danh EVN Telecom- Hanoi Telecom đạt 430 điểm. |
( Theo TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com