Khi chiếc điện thoại di động trở thành một vật dụng quen thuộc với nhiều người tiêu dùng, thâm nhập vào mọi ngõ ngách từ thành thị đến nông thôn và góp phần làm thay đổi cách sống, cách giao tiếp của con người thì các nhà xã hội học bắt đầu phân tích về cái gọi là “văn hóa di động”. Nhưng khi thiết bị này được tích hợp thêm chức năng để trở thành công cụ hay phương tiện thanh toán tài chính trong hoạt động giao thương thì các chuyên gia công nghệ lại được dịp để nói về sự hình thành của một “văn hóa thanh toán” mới.
Việc thanh toán tài chính bằng điện thoại di động mới chỉ phổ biến trong vài năm gần đây trên thế giới nhưng nhanh chóng đạt được tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Vào năm ngoái, tổng giá trị thanh toán di động (mobile payment) của thế giới mới chỉ là 48,9 tỉ đô la Mỹ thì có khả năng đến cuối năm nay lên đến 86 tỉ đô la, nghĩa là gấp đôi. Hãng nghiên cứu Gartner cho biết số người sử dụng tài khoản thanh toán di động tăng từ 102,1 triệu trong năm 2010 lên 144,1 triệu vào đầu năm 2011. Tốc độ gia tăng này nói lên ba điều: trước hết là người tiêu dùng đang nhanh chóng chấp nhận một phương thức thanh toán mới mà thời gian trước còn rất lạ lẫm, thứ hai là phương thức mới này khá tiện lợi bởi có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và với mọi người, thứ ba là những nỗ lực hoàn thiện và cập nhật công nghệ thông tin ứng dụng cho điện thoại đang làm cho việc thanh toán di động ngày một trở nên dễ dàng hơn, đủ sức tín cẩn và ít tốn kém.
Trên thực tế, đằng sau sự tiện lợi, dễ dàng và tín cẩn mà người sử dụng có được là cả một hệ thống vận hành, dựa trên hoặc tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản điện thoại, hoặc trên một thứ tài khoản được tạo ra bởi sự phối hợp của ba nhà ngân hàng, viễn thông và cung cấp giải pháp công nghệ thông tin.
Trong mô hình ngân hàng chủ đạo (bank-led model), các dịch vụ thanh toán di động được phát triển dựa trên tài khoản của các cá nhân tại các ngân hàng. Tiền được cất trữ và quản lý ở đó và chiếc điện thoại chỉ là phương tiện ra lệnh. Nói cách khác đó là sự mở rộng dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động, gọi là mobile banking.
Trong mô hình viễn thông chủ đạo (operator-led model) thì chính các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông tự đứng ra cung cấp dịch vụ thanh toán tài chính giữa các tài khoản thuê bao của mình. Các khách thuê bao của mạng viễn thông không nhất thiết phải có tài khoản ngân hàng, họ chỉ cần đăng ký và được công ty viễn thông cung cấp một tài khoản như thể một ví điện tử với số tài khoản chính là số điện thoại đang dùng. Người sử dụng có thể nạp tiền vào tài khoản đó tại một đại lý, qua thẻ cào, hoặc chuyển từ một tài khoản ngân hàng.
Người tiêu dùng có thể nhận ra sự bài bản, chuyên nghiệp và đủ mức tin cậy để có thể thực hiện thanh toán cho các thương vụ lớn nhỏ trong mô hình di động ngân hàng. Nhưng người tiêu dùng cũng nhận ra sự tiện lợi mà các khách thuê bao được hưởng qua mô hình di động viễn thông khả dĩ giúp họ chi trả các khoản tiền thường nhật mà không phải mang theo ví tiền. Nếu ở mô hình bank-led model người tiêu dùng bị giới hạn giữa các tài khoản ngân hàng thì mô hình operator-led model có tầm với rất xa đến mọi nơi, mọi lúc và người tiêu dùng dựa vào chính tài khoản điện thoại của họ.
Trong mô hình đối tác phối hợp (partnership model), ngân hàng, công ty viễn thông và nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cùng hợp tác đưa ra chung một dịch vụ thanh toán di động. Lúc này ngân hàng giữ vai trò quản lý nguồn tiền và nghiệp vụ thanh toán-quyết toán trong khi công ty viễn thông phụ trách việc tổ chức kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Ưu điểm của mô hình phối hợp này là nhà tài chính có cơ hội tiếp cận được với khối lượng khách hàng của công ty điện thoại trong khi nhà viễn thông có thêm dịch vụ tài chính gia tăng. Bản thân khách hàng có thêm một kênh thanh toán mới vừa tiện lợi vừa an toàn cho các khoản chi thu dù lớn hay nhỏ và nhà nước có điều kiện quản lý vĩ mô thông qua luật lệ ngân hàng.
Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, trước một thị trường rộng mở với khoảng 1,2 tỉ người trong năm 2012 sử dụng điện thoại di động nhưng không có tài khoản ngân hàng thì phương châm “cung cấp dịch vụ ngân hàng cho người không có tài khoản” (banking the unbanked) chỉ có thể thực hiện được thông qua mô hình thanh toán di động phối hợp. Đây chính là tương lai và là vai trò chủ đạo của việc thanh toán di động, và cũng chính là hướng phát triển của nền nếp “văn hóa thanh toán” mới.
Người ta nhận ra có sự khác biệt “văn hóa thanh toán” giữa các thị trường phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ với các thị trường đang phát triển ở châu Á, châu Phi. Ở châu Âu, nơi mà hệ thống ngân hàng bảo đảm cho hầu hết hoạt động tài chính thì việc triển khai dịch vụ thanh toán di động đã không mấy thành công. Với ưu thế về số lượng điện thoại thông minh, việc thanh toán di động ở đó chủ yếu áp dụng công nghệ WAP (wireless application protocol) kết nối viễn thông vào mạng Internet để thực hiện thanh toán trực tuyến, hoặc dùng công nghệ NFC (near field communication) tích hợp vào điện thoại để giao tiếp tầm gần với hệ thống mạng Internet.
Tuy nhiên, ở nơi các thị trường mới nổi hay đang phát triển, việc triển khai dịch vụ thanh toán di động lại gặt hái rất nhiều thành công. Bởi hệ thống ngân hàng ở đó không mạnh và thiếu khả năng bao phủ, các công ty viễn thông đã đi đầu trong việc xây dựng hệ thống thanh toán di động với việc áp dụng công nghệ từ thấp đến cao, bắt đầu bằng các kỹ thuật nhắn tin qua SMS (short message services) và USSD (unstructured supplementary service delivery). Điển hình nhất có thể kể đến Kenya, nơi dịch vụ M-PESA áp dụng cho hơn 7 triệu khách thuê bao của hãng điện thoại di động Safaricom rất được ưa chuộng và nay đang được nhân rộng. Dịch vụ thanh toán di động NTT DoCoMo do tập đoàn Sony triển khai cũng rất thành công với khoảng 20 triệu số thuê bao ở Nhật Bản và các thị trường khác trong khu vực châu Á.
Có một thực tế không thể phủ nhận là mức độ bão hòa của hệ thống ngân hàng ở các nền kinh tế phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông hay Singapore. Nhưng các nhà cung cấp dịch vụ cũng nhận ra một điều là ở những thị trường này việc thanh toán qua điện thoại di động cũng đang phát triển mạnh. Có cái gì đó phảng phất giữa văn hóa Á châu với “văn hóa di động” và vì thế việc sử dụng điện thoại vào việc thanh toán tài chính cũng dễ được chấp nhận. Tập đoàn tư vấn KPMG đã đưa ra một bản báo cáo với nhiều nội dung phân tích sâu sắc liên quan đến vấn đề này. Bản báo cáo cũng xếp hạng Nhật Bản và Hàn Quốc vào nhóm các nền kinh tế dẫn đầu trong xu hướng thanh toán di động; Hồng Kông, Singapore và Đài Loan là những con hổ. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines được nhận xét là phát triển dịch vụ thanh toán di động theo đặc trưng địa lý phức tạp và rộng lớn, còn Việt Nam cùng với Thái Lan và Malaysia được coi là những nền kinh tế đi chậm trong lĩnh vực này.
__________________________________________
Tài liệu tham khảo:
- KPMG: Mobile Payments in Asia Pacific. (48 trang)
- World Economic Forum 5/2011: The Mobile Financial Services Report 2011.(222 trang)
- Mobile payment: http://en.wikipedia.org/wiki/Mobile_payment
- Mobile Payments Evolution not Revolution: http://www.finextra.com/community/fullblog.aspx?blogid=4881
- Gartner sees global mobile payment volume to touch $86 b in 2011: http://www.thehindubusinessline.com/industry-and-economy/info-tech/article2281978.ece
- Mobile Payments Users To Jump 40%: http://www.brianbollen.com/bbb_brian_bollens_blog/2011/06/mobile-payments-users-to-jump-40.html
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com