Vào giữa năm 2009, Viettel, tiếp theo là MobiFone, VinaPhone châm ngòi cuộc đua giảm giá cước. |
1. Dịch vụ viễn thông di động thế hệ thứ 3 (3G) được chính thức cung cấp
Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện cấp phép tần số viễn thông qua hình thức thi tuyển thay cho hình thức cấp phép xin cho, tạo nên cuộc cách mạng về thông tin di động tại Việt Nam
6 nhà khai thác tham gia thi tuyển nhưng chỉ có 4 giấy phép được cấp. Giấy phép 3G cũng được xem như giấy bảo lãnh cho sự phát triển của các nhà khai thác trong giai đoạn tới.
Vì hiện theo đánh giá của chính Bộ Thông tin và Truyền thông đơn vị chủ quản các nhà khai thác, 7 nhà khai thác có hạ tầng mạng là con số tương đối nhiều so với thị trường Việt Nam.
2. Thắt chặt quản lý thuê bao trả trước
Mỗi cá nhân chỉ được sở hữu tối đa không quá 3 SIM của mỗi nhà khai thác đồng thời các thuê bao trả trước không đăng ký thông tin cá nhân hoặc đăng ký thông tin không chính xác sẽ bị cắt đứt liên lạc vào ngày 1/1/2010.
Dự kiến, trong năm 2010, sẽ siết chặt hơn nữa quản lý thuê bao di động trả trước để ngăn chặn triệt để tình trạng bán SIM như "rau muống". Vì theo khẳng định của vị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, Lê Doãn Hợp, tình trạng này không chỉ làm đau đầu cơ quan quản lý mà các doanh nghiệp cũng đã tự đánh vào chính mình khi để tình trạng trên xảy ra.
3. Cuộc đua giảm giá cước và khuyến mãi
Vào giữa năm 2009, Viettel chính thức châm ngòi cuộc đua giảm giá cước với mức giảm 15%. Ngay lập tức MobiFone tiếp chiêu với mức giảm tối đa lên đến 29%, VinaPhone cũng không thể không tham gia cuộc chơi. 3 đại gia chạy đua giảm giá ép các nhà mạng chiếu dưới cũng phải gồng mình tham gia cuộc đua tuy biết rằng đó là cuộc đua không cân sức.
Sau cuộc đua giảm giá cước, vài tháng sau, các nhà mạng lại bị Bộ Công Thương "tuýt còi" về việc khuyến mãi quá mạnh tay. Không chỉ là sự cạnh tranh không lành mạnh, cuộc đua khuyến mãi và giảm giá cước còn khiến giá cước viễn thông của Việt Nam gần như tiệm cận với giá thành.
Doanh thu trung bình trên một thuê bao của các nhà khai thác giảm mạnh. Từ khoảng 7-8 USD/tháng /thuê bao trong năm 2008 xuống còn 4-6 USD/thuê bao/tháng.
4. Nhà mạng mới gia nhập thị trường buộc các nhà mạng có thâm niên chạy theo cuộc chơi của mình
Nhà mạng tuổi "nhũ nhi" Beeline, tung ra chiêu độc trả tiền 1 phút gọi 20 phút gọi nội mạng ngay trong ngày đầu khai trương buộc các nhà mạng có thâm niên như Viettel, MobiFone, VinaPhone phải tiếp.
Nhưng mặc dù có thâm niên và công lực thâm hậu hơn, Viettel, MobiFone, VinaPhone cũng chỉ dám thực hiện trả tiền 2 phút hoặc 4 phút gọi 10 phút gọi nội mạng. Và thế là miễn phí gọi nội mạng đã trở thành một phần tất yếu của các nhà mạng, và là niềm vui nho nhỏ của các thuê bao.
5. SPT và SK Telecom đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi Dự án Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) S-Telecom sang hình thức liên doanh
Đây là dự án BCC đầu tiên trong lĩnh vực viễn thông chuyển đổi sang hình thức liên doanh. Và nếu thành công, đây sẽ là mạng viễn thông di động thứ hai của Việt Nam hoạt động theo hình thức liên doanh.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu S-Fone sau khi "thay máu" có làm nên lịch sử? Câu trả lời là "hãy đợi đấy" vì dự kiến vào quý 2/2010, hồ sơ chuyển đổi sang hình thức liên doanh của S-Fone mới có thể được chính thức phê duyệt. Hiện, S-Fone sau 8 năm hoạt động có trong tay khoảng trên 7 triệu thuê bao kích hoạt.
6. Điện thoại cố định gặp khó
Gần như tất cả các doanh nghiệp viễn thông cùng kêu khó trong việc phát triển thuê bao điện thoại cố định hữu tuyến. Thậm chí các doanh nghiệp còn khẳng định có thời điểm số lượng thuê bao hoà mạng mới bằng với thuê bao rời mạng. Sự thực này cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận và khẳng định trong năm 2010 sẽ đưa ra những kế sách hiệu quả để "nuôi" điện thoại cố định.
7. Ách tắc trong việc dùng chung hạ tầng giữa viễn thông và điện lực
Sau hơn 1 năm tranh cãi, câu chuyện dùng chung hạ tầng giữa viễn thông và điện lực vẫn không có được hồi kết. Và các doanh nghiệp viễn thông khẳng định, nếu điện lực không thay đổi mức giá thuê cột, viễn thông sẽ tự mình trồng cột cho dù biết đó là khó khăn và lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước. Vì cả hai bên đều là các doanh nghiệp Nhà nước. Dự kiến hồi kết của câu chuyện tranh cãi này sẽ được viết vào thời điểm sau ngày 5/1/2010 khi điện lực và viễn thông gửi giải trình của mình lên Bộ Công thương.
8. Triển khai các tuyến cáp quang biển quốc tế
Sơ đồ biểu diễn của 3 tuyến cáp quang biển quốc tế là Liên Á-Mỹ (AAG), Liên Á (IACS) và Châu Á -Thái Bình Dương (APG) giờ đây đã xuất hiện một chấm sáng mang tên Việt Nam. Điều này không chỉ giúp mở rộng dung lượng băng thông đi quốc tế của Việt Nam mà còn giúp các doanh nghiệp trong nước có được chi phí kết nối hợp lý.
9. Luật Viễn thông và Luật Tần số được ban hành
Hai Luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào nàgy 1/7/2010 tạo điều kiện thuận lợi cho mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông với công nghệ mới, hiện đại. Và theo dự đoán của Bộ Thông tin và Truyền thông khi hai Luật này,số lượng các doanh nghiệp tham gia thiết lập hạ tầng mạng viễn thông sẽ không dừng ở con số 11 như hiện nay.
10. Viettel chuyển đổi sang mô hình Tập đoàn
Cuối tháng 12/2009, Viettel chính thức được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chuyển đổi hoạt động theo mô hình Tập đoàn. Đây là tiền đề để hình thành ít nhất hai Tập đoàn lớn trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam vào năm 2015 để góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
(Theo Thu Huyền // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com