Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đưa công nghệ số vào ngành truyền hình

Lâu nay, các chuyên gia công nghệ thường nhắc đến lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số vào ngành truyền hình (số hóa truyền hình), cụ thể là cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt. Tại một cuộc hội thảo mới đây do Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Hiệp hội GSM tổ chức, các chuyên gia khẳng định việc số hóa truyền hình còn mang lại lợi ích cho cả ngành viễn thông.

Tại cuộc hội thảo “Lợi ích của việc số hóa truyền hình và tương lai băng thông rộng di động tại Việt Nam” diễn ra vào giữa tháng Tư ở Hà Nội, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin - Truyền thông, khẳng định việc số hóa truyền hình mang lại lợi ích lớn cho cả ngành truyền hình và ngành viễn thông.

Với truyền hình, việc ứng dụng công nghệ số cho phép phát nhiều chương trình trên một kênh tần số mà trước đây chỉ có thể phát một chương trình truyền hình sử dụng công nghệ tương tự (analog). Công nghệ số cũng cho phép ngành truyền hình cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Khi tiến hành việc sắp xếp, quy hoạch lại tần số, công nghệ này sẽ tạo ra lượng tần số vô tuyến điện dôi dư và ngành viễn thông có thể tận dụng để cung cấp dịch vụ truy cập băng thông rộng (truyền hình di động, Internet di động…).

Cùng chung quan điểm này, ông Lê Văn Tuấn, Trưởng Phòng Ấn định và Cấp phép, Cục Tần số vô tuyến điện, giải thích rằng khi ứng dụng công nghệ số mà lượng kênh không thay đổi thì phổ tần số (dải tần số) sẽ giảm đi, do đó sẽ tạo ra lượng phổ tần số dôi dư. Trong khi đó, với sự phát triển nhanh của ngành viễn thông, cùng với xu hướng cung cấp ngày càng nhiều các dịch vụ Internet băng thông rộng trên điện thoại di động, nhu cầu về băng thông và phổ tần số sẽ tăng. Khi đó có thể chuyển phần phổ tần số dôi dư từ truyền hình sang viễn thông.

Những khó khăn ban đầu

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho rằng yếu tố quyết định sự thành công của ngành viễn thông và truyền hình là thiết bị đầu cuối. Nếu triển khai ứng dụng công nghệ số vào ngành truyền hình thì tại mỗi tỉnh thành, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình số phải lắp đặt một trạm phát sóng 12kW với giá khoảng 200.000 đô-la Mỹ, và khoản đầu tư này sẽ lên đến 100-200 triệu đô-la nếu muốn cung cấp dịch vụ về tới các huyện.

Ngoài ra, để thu được tín hiệu truyền hình số thì mỗi khách hàng phải bỏ ra khoảng 100 đô-la để mua bộ giải mã tín hiệu truyền hình số. Nếu 20 triệu hộ dân đang có ti-vi trên cả nước mua thiết bị nói trên thì khoản đầu tư trong xã hội sẽ là 2 tỷ đô-la Mỹ.

Các nhà cung cấp dịch vụ có thể dễ dàng đầu tư trạm phát sóng, nhưng việc làm sao để người dân bỏ tiền ra mua thiết bị là khó khăn, vì không phải ai cũng có đủ điều kiện về kinh tế cho việc trang bị này. Để thu hút khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ truyền hình số thì cần có sự trợ giá cho việc sắm thiết bị.

Ông Hùng đề xuất, trong trường hợp Cục Tần số vô tuyến điện có được một lượng tần số dôi dư sau khi áp dụng công nghệ số vào ngành truyền hình thì cục có thể bán lại tần số này cho các doanh nghiệp. Ông ước tính với dung lượng khoảng 100MB, Viettel sẽ trả kinh phí 250 triệu đô-la. Khoản thu này nhà nước có thể làm kinh phí trợ giá thiết bị thu tín hiệu truyền hình số cho người dân. Khi người dân có thiết bị thì các nhà cung cấp sẽ sẵn sàng đầu tư vào truyền hình số.

Về phía Cục Tần số vô tuyến điện, ông Hoan cho biết cơ quan này đã từng đề xuất với Chính phủ nên trích kinh phí từ quỹ viễn thông công ích để hỗ trợ người dân mua thiết bị. Tại Mỹ, Chính phủ nước này đã đấu giá băng tần UHF được 19,2 tỷ đô-la và sử dụng một phần nguồn thu này để hỗ trợ cho các gia đình mua thiết bị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để có thể tiến hành việc đấu giá tần số, theo ông Hoan, phải có chính sách luật mở đường.

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ số vào ngành truyền hình đem lại nhiều lợi ích, song ông Hoan cho rằng việc quy hoạch tần số không phải là việc có thể làm ngay. Bộ Thông tin - Truyền thông đang nghiên cứu về việc này và quy hoạch lại băng tần 700MHz cho các dịch vụ tiên tiến.

Cân bằng các lợi ích khác nhau

Ông Roberto Ercole, Giám đốc về Chính sách đối với băng tần, Hiệp hội GSM, cho rằng ứng dụng công nghệ số vào ngành truyền hình có thể không dễ dàng. Tần số là tài nguyên hiếm hoi, cần được cân đối và phân bổ công bằng giữa nhiều lợi ích khác nhau. Vấn đề này liên quan đến sự phát triển kinh tế nên cần làm sao để sử dụng hữu hiệu tần số. Việt Nam cần xem xét tần số là tài sản quý giá, phải khai thác có hiệu quả để tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Hơn nữa, việc sử dụng tần số có hiệu quả mang lại lợi ích không chỉ cho nhà nước, doanh nghiệp mà còn cho người sử dụng. Ngoài ra, cần chú ý để tránh lãng phí và cần tái sử dụng băng tần để đem lại hiệu quả kinh tế. Tiết kiệm tần số không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là vấn đề lợi ích xã hội. Việc chuyển tần số dôi dư từ ngành truyền hình sang ngành viễn thông sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Ông Ercole nói thêm rằng hiện phần lớn người dân Việt Nam đang sử dụng công nghệ GSM – công nghệ mà có thể tận dụng được băng tần dôi dư của ngành truyền hình. Do đó, cần đồng bộ hóa tần số giữa hai ngành truyền hình và viễn thông.

Băng tần UHF mà ngành truyền hình đang sử dụng (tần số thấp) sẽ cho phép phủ sóng rộng hơn băng tần cao và cần ít trạm thu - phát sóng hơn, như vậy, sẽ giúp các doanh nghiệp viễn thông tiết kiệm chi phí khi tái sử dụng băng tần này. Đây cũng là băng tần tiện dụng ở khu vực nông thôn. Điều này rất có ý nghĩa với một quốc gia có đông dân sống ở nông thôn như Việt Nam.

Internet băng thông rộng di động góp phần phát triển kinh tế

Ông Roberto Ercole, Giám đốc về Chính sách đối với băng tần của Hiệp hội GSM, nhận định thời gian tới số người sử dụng Internet băng thông rộng di động (Internet qua điện thoại di động) sẽ lớn hơn số người sử dụng Internet băng thông rộng cố định (ADSL). Tỷ lệ truy cập Internet băng thông rộng di động ngày càng cao dự báo sẽ trở thành một dịch vụ chiếm ưu thế trong tương lai.

Bên cạnh đó, sự đóng góp của dịch vụ dữ liệu di động đối với sự phát triển của kinh tế rất lớn. Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết theo số liệu mà Ngân hàng Thế giới công bố vào năm 2009, cứ mức tăng trưởng 10% của dữ liệu băng thông rộng sẽ tương đương với mức tăng trưởng 1,21% của GDP ở các nước phát triển và 1,35% ở các nước đang phát triển. Do đó, để nhà cung cấp đáp ứng được nhu cầu truy cập Internet băng thông rộng di động trong tương lai, các nhà quản lý và xây dựng chính sách đang tìm kiếm và quy hoạch tần số cho việc cung cấp dịch vụ này.

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Làm cách nào vô hiệu hóa Control Panel Windows 7
  • Đầu DVD kén đĩa, vì sao?
  • Giải pháp phần mềm trợ giúp giáo dục
  • Làm sao để diệt virus W32.Vodkac
  • Sửa lỗi cho IE 8
  • Tương lai của điện ảnh 3D
  • Mẹo vặt sử dụng modem hiệu quả và đúng cách
  • Tạo USB ảo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị