Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gia công phần mềm: Bước đệm cho sự phát triển

Năm 2010 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh của GCS ở thị trường nội địa. Ảnh: Lê Toàn.

Bức tranh gia công phần mềm năm 2010 của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều điểm sáng sau khi cơn bão suy thoái quét qua từ cuối năm 2008. Dù mức độ phục hồi chưa bắt kịp giai đoạn trước suy thoái kinh tế song đây được xem là một bước đệm quan trọng, lấy đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa) khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các công ty gia công phần mềm, nhiều hợp đồng gia công từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản hay Bắc Mỹ đang quay trở lại.

Ông Phạm Tấn Công, Phó chủ tịch Vinasa, cho biết hai năm 2008 và 2009 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành CNTT Nhật Bản. Trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành CNTT Nhật Bản đã có bảy quý liên tiếp sụt giảm doanh số. Sự sụt giảm này đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty CNTT Việt Nam, là những đối tác chuyên gia công phần mềm cho Nhật.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 thị trường gia công phần mềm Nhật Bản đã có sự phục hồi đáng kể và các công ty Nhật Bản đang quay lại tìm kiếm đối tác tại Việt Nam bởi nơi đây vẫn là đối tác lớn trong lĩnh vực gia công phần mềm cho Nhật Bản, sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Từ đầu năm 2010 thị trường gia công phần mềm Nhật Bản đã có sự phục hồi đáng kể và các công ty Nhật Bản đang quay lại tìm kiếm đối tác tại Việt Nam bởi nơi đây vẫn là đối tác lớn trong lĩnh vực gia công phần mềm cho Nhật Bản, sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Vinasa đánh giá, trong giai đoạn 2005-2010, doanh thu phần mềm tăng hơn bốn lần, từ 250 triệu đô-la Mỹ lên 850 triệu đô-la vào năm 2009 và dự kiến đạt 1 tỷ đô-la vào năm 2010. Nếu tính cả dịch vụ nội dung số, doanh thu đạt hơn 1,54 tỷ đô-la trong năm 2009. Mức tăng trưởng chung của toàn ngành luôn duy trì ở mức 30-40%/năm, trong đó phần mềm đạt 25% và nội dung số đạt 56%.

Nhìn từ Quang Trung

Khu Công viên Phần mềm Quang Trung, nơi tập trung hơn 100 doanh nghiệp phần mềm, cho biết năm vừa qua tình hình kinh doanh của họ có nhiều tiến triển khả quan khi các hợp đồng gia công phần mềm đã quay trở lại.Theo ghi nhận tại Công viên Phần mềm Quang Trung, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến việc đóng cửa, ngưng hoạt động trong năm 2010 giảm gần 60% so với năm 2009. Tỷ lệ cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô kinh doanh cũng giảm rõ rệt. Về doanh thu, các doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận trong năm 2010 tăng khoảng 30% so với năm 2009. Những dự án nhận gia công từ nước ngoài có tính ổn định hơn và giá cả cũng tốt hơn so với năm 2009, thời điểm mà nhiều doanh nghiệp chấp nhận những hợp đồng chỉ hòa vốn và đôi khi phải bù lỗ để giữ chân khách hàng. Do đó, tỷ lệ các doanh nghiệp có lợi nhuận hoặc hòa vốn trong năm 2010 tăng 60-70% so với năm 2009.

Về tình hình thu hút đầu tư, năm 2010 có 12 công ty mới tham gia vào Công viên Phần mềm Quang Trung, trong đó có chín công ty trong nước và ba công ty nước ngoài. “Con số này là thấp so với những năm trước suy thoái kinh tế. Điều này cho thấy tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn dè dặt trong quyết định mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong năm qua. Tuy nhiên đã xuất hiện xu hướng chuẩn bị cho một làn sóng đầu tư mới từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn CNTT lớn trên thế giới vào Việt Nam hoặc mở rộng đầu tư ở nước ta trong những năm tới”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, cho hay.

Theo ông Dũng, điểm mới của ngành phần mềm là nhiều doanh nghiệp đã có những phương thức kinh doanh sáng tạo và chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường nội địa. Mặc dù thị trường chính vẫn là thị trường nước ngoài và thị trường trong nước mới chiếm khoảng 20% nhưng trong bối cảnh nhiều đơn đặt hàng nước ngoài sụt giảm, một số công ty trước đây chỉ tập trung vào thị trường nước ngoài thì nay đã mở rộng chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ trong nước, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Đổi mới phương thức kinh doanh

Tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TMA Solutions là một điển hình cho các công ty phần mềm đang có những bước đi chiến lược dần thâm nhập thị trường nội địa với sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho điện thoại di động. Công ty này dự kiến tăng 8% doanh thu so với năm 2009. Trong khi đó, Công ty Toàn Cầu có sản phẩm phần mềm đặc thù phục vụ cho ngành y tế và bệnh viện trên cả nước. Dự kiến doanh số tăng 36% so với năm 2009 khi có 93 bệnh viện, trung tâm y tế đang sử dụng phần mềm của công ty.

Mới đây, Công ty TNHH Mạng máy tính Phú Sĩ (Fujinet) đã tham gia thị trường trong nước bằng việc đưa ra gói giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) Fuji Cocktail. Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Fujinet, cho biết năm 2010 Fujinet giữ vững được thị trường phát triển phần mềm cho Nhật Bản, và dự kiến từ năm 2011 trở đi sẽ tăng trưởng mạnh.

Đối với Fujinet, vấn đề là không phải vì thị trường gia công phần mềm trên thế giới bị suy giảm nên mới quay sang thị trường trong nước mà là Fujinet nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển rất nhanh và đến nay bắt đầu xuất hiện nhu cầu ứng dụng ERP. Với cơ hội này, Fujinet muốn giới thiệu phần mềm ERP đến các doanh nghiệp trong nước.

Dù chưa có số liệu tổng kết, ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft (GCS), cho rằng về cơ bản năm 2010 là một năm kinh doanh được xem là thành công của GCS, xét trên doanh thu, lợi nhuận và khách hàng. “Nếu xét trong bối cảnh khủng hoảng 2008-2009 với tác động xấu kéo dài, cộng với tình hình biến động vĩ mô tại Việt Nam thời gian gần đây có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung, thì thành công năm 2010 rất có ý nghĩa đối với GCS”, ông Toàn nói.

Năm 2010 là năm bản lề đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của GCS trong chiến lược thâm nhập và khẳng định thế mạnh ở thị trường nội địa, đặc biệt với hai mảng mà GCS có ưu thế là tư vấn triển khai các hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP dựa trên nền SAP, và các hệ thống quản lý và điều khiển sản xuất MES với gói giải pháp tiên tiến.

Theo ông Toàn, cung cấp giải pháp quản trị ERP dựa trên SAP thực ra không phải là bước đi mới của GCS. Trong thực tế, GCS đã nắm bắt được xu thế tất yếu của thị trường nội địa với giải pháp quản trị ERP từ cách đây nhiều năm, khi các dự án ERP lớn tại Việt Nam chưa có hoặc rất ít. GCS đã đầu tư và chuẩn bị khá cẩn thận cho lĩnh vực rất tiềm năng nhưng đầy thử thách này và kết quả là GCS và đối tác triển khai SAP thành công cho tòa nhà Bitexco chỉ trong vòng ba tháng.

Dựa trên những thành công nhất định trong năm qua, ông Toàn cho rằng trong bối cảnh thị trường vẫn chưa hoàn toàn sáng sủa và kinh tế vĩ mô vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, 2011 được xem là năm khá quan trọng với chiến lược kinh doanh của GCS. “Năm nay và thời gian tới, GCS xác định thị trường ứng dụng trong nước là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng”, ông Toàn cho biết.

Những dự báo lạc quan

Với chiến lược đẩy mạnh thị trường nội địa và tiếp tục giữ vững thị trường nước ngoài, các công ty phần mềm đã dự báo trong năm 2011, ngành gia công phần mềm sẽ có nhiều triển vọng.

Ông Nguyễn Đăng Phong lạc quan rằng thị trường gia công phần mềm Nhật Bản sẽ bước đầu phục hồi trong năm 2011 dù khách hàng ngày càng kén chọn đối tác và họ sẽ ưu tiên chọn các công ty có quy mô lớn, có đủ các chứng chỉ về quy trình làm việc, bảo mật (CMMI, ISO 27001). “Thị trường phần mềm trong nước vẫn tiếp tục phát triển nhưng với mức độ không cao bằng các năm trước khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, thị trường ERP sẽ có sự tăng trưởng cao”, ông Phong dự báo.

Đồng quan điểm ấy, ông Ngô Văn Toàn nhận định thị trường gia công quốc tế đã có dấu hiệu hồi phục và sẽ phát triển trong năm 2011 sau khoảng thời gian đình trệ do tác động của khủng hoảng. “Tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là nguồn lực của chúng ta có sẵn sàng và đủ mạnh hay không. Nguồn lực này không chỉ bao gồm lực lượng lập trình viên, mà cả nhiều yếu tố khác cũng hết sức quan trọng như bán hàng, quản trị dự án, năng suất dự án và năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, gia công phần mềm là lĩnh vực có yêu cầu khá cao về chất lượng nhân lực và chất lượng dự án. Không nên nghĩ đơn giản là khi có nhu cầu thì khách hàng sẽ tự tìm đến mình, mà quá trình hợp tác chỉ đến khi đối tác đã thẩm định kỹ lưỡng năng lực của doanh nghiệp. “Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn nói nhiều về nhu cầu gia công rất lớn, nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn không dễ dàng chiếm được “miếng bánh” trong thị trường này”, ông nói.

Về thị trường trong nước, nếu không có những biến động lớn ngoài dự kiến, ông Toàn dự báo năm 2011 và những năm tới tiếp tục là giai đoạn đầy triển vọng cho nghành công nghiệp phần mềm Việt Nam, chí ít là so với giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, mặc dù chưa phải là năm có những thành tựu mang tính đột biến. Nhận định này càng có cơ sở trong bối cảnh Chính phủ vừa phê duyệt đề án tăng tốc định hướng để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, và năm 2011 có thể sẽ là năm bản lề của một số chính sách và giải pháp tăng tốc được bắt đầu triển khai.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
  • Hợp nhất thế giới ảo và thực
  • Điện toán đám mây và nguồn mở
  • Bàn phím máy ATM bẩn như xí bệt công cộng
  • Top 10 giao diện tùy biến Windows đẹp long lanh
  • Những phần mềm miễn phí không thể bỏ qua
  • Chọn mua laptop cũ
  • Những cách chữa lỗi màn hình xanh
  • Theo dõi lịch chiếu phim
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị