Cách đây hơn 3 năm, mạng nghiên cứu và đào tạo (R&T) Việt Nam (VinaREN - www.vinaren.vn) chính thức đi vào hoạt động, mở ra cơ hội để cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam tiếp cận với tri thức vô tận của nhân loại qua internet. Đến nay, VinaREN thực sự trở thành mạng R&T quốc gia với nhiều tiện ích.
Kho dữ liệu khổng lồ
Trang chủ mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam
TS Nguyễn Hồng Vân, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI) cho biết, VinaRen hiện có 6 trung tâm vận hành, kết nối 57 mạng thành viên là các viện nghiên cứu, trường ĐH, bệnh viện lớn của Việt Nam với khoảng 45 triệu đồng nghiệp tại hơn 8.000 trung tâm R&T trên thế giới. Đến nay, VinaREN đã triển khai một loạt hoạt động, nổi bật là tổ chức các buổi giải phẫu bệnh từ xa, phẫu thuật nội soi, chẩn đoán hình ảnh từ xa với quy mô quốc tế; bảo vệ đề cương và luận án tiến sĩ qua mạng; đẩy mạnh triển khai giáo dục điện tử... VinaREN cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu với khoảng 15.000 tạp chí khoa học mua của nước ngoài và khoảng 300 tạp chí khoa học, công nghệ của Việt Nam. Đặc biệt, VinaREN cũng tham gia phục vụ dự báo thời tiết một cách hữu hiệu.
Ông Võ Văn Hòa, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (TTDBTƯ) khẳng định: "Hiện tại, đường truyền của VinaREN có vai trò quan trọng trong hệ thống viễn thông tổng thể của TTDBTƯ và là thành phần không thể thiếu trong thu thập số liệu khí tượng thủy văn quốc tế". Ông Võ Văn Hòa cho biết thêm, VinaREN cung cấp thêm nhiều lựa chọn "đầu vào" cho các hệ thống mô hình dự báo khu vực, rút ngắn thời gian chạy mô hình do phải chờ đợi đủ nguồn số liệu, góp phần tạo ra sự đột phá trong công nghệ dự báo số trị. Do VinaREN có kết nối tới nhiều trường ĐH và trung tâm nghiên cứu trên thế giới nên các nghiên cứu viên của TTDBTƯ có thể truy cập tới nhiều số liệu, tài liệu tham khảo nhanh chóng và miễn phí.
Ngoài ra, các bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện trung ương quân đội 108, Việt Đức và các trường ĐH lớn của Việt Nam như hai ĐH Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội... đã ứng dụng các tiện ích của VinaREN trong việc tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế.
Chưa được khai thác triệt để
Theo NASATI, hoạt động của VinaREN đến nay chưa được tận dụng triệt để dù hạ tầng mạng được thiết kế với tốc độ cao. Cá biệt, có thành viên đến nay chưa bao giờ sử dụng VinaREN, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên và cơ sở vật chất. Năm 2009, do thi công các công trình giao thông tại nhiều địa phương nên đã xảy ra 11 sự cố đứt cáp quang giữa các trung tâm vận hành mạng và điểm kết nối. Từ đầu năm 2010 đến nay, cũng có 8 lần đứt cáp, làm mất kết nối trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày.
TS Hà Quốc Trung, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mức khai thác đường truyền VinaREN là khoảng 1/4 dung lượng của băng thông do trường chưa có nguồn tài chính đầu tư cho cơ sở vật chất để kết nối toàn bộ hạ tầng mạng nội bộ với VinaREN. Ngoài ra, việc sử dụng VinaREN mới tập trung cho tổ chức hội thảo, phỏng vấn qua mạng, họp và đào tạo truyền hình của các hệ đào tạo quốc tế mà chưa ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng cán bộ, sinh viên.
TS Nguyễn Hồng Vân cho biết thêm, hoạt động của VinaREN còn bất cập một phần là do sự phối hợp giữa các bộ, ngành (10 cơ quan có "chân" trong ban chỉ đạo VinaREN - PV) và giữa các cơ quan quản lý với các đơn vị của VinaREN còn lỏng lẻo. Bộ Khoa học - Công nghệ đã thành lập các nhóm công tác chuyên về y học từ xa, giáo dục điện tử, biến đổi khí hậu, công nghệ mạng... nhưng người chủ trì các nhóm này do bận công tác nên việc triển khai các hoạt động nội bộ và hợp tác với các nước chưa được đẩy mạnh. Ngoài ra, việc triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành còn độc lập với triển khai, khai thác các tiện ích, năng lực của VinaREN như một hạ tầng mạng tiên tiến của cả nước về R&T.
Để nâng cao chất lượng của VinaREN, sắp tới, NASATI sẽ đẩy mạnh hoạt động nhằm thu hút nhiều hơn nữa các trường ĐH, viện nghiên cứu, bệnh viện tham gia và phối hợp với Bộ Y tế triển khai dự án thử nghiệm về y học từ xa trong lĩnh vực nhi khoa và ngoại khoa. VinaREN cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng, triển khai mạng thu thập, chia sẻ thông tin vệ tinh viễn thám quốc tế về biến đổi khí hậu. Đây sẽ là một trong những định hướng để VinaREN thực sự trở thành nơi kết nối tri thức toàn cầu với tư cách là mạng quốc gia về R&T.