Một nhà khoa học người Italia đã sáng chế ra loại máy in 3D không sử dụng mực thông thường mà bằng cát và keo nhân tạo.
Tên của loại máy in 3D trên là D-Shape, được nhà khoa học Enrico Dini sáng tạo và thử nghiệm tại phòng Thí nghiệm không gian Alta, một bộ phận thuộc cơ quan nghiên cứu vũ trụ châu Âu. Công dụng ban đầu của D-Shape là tạo hình các công trình xây dựng từ bản vẽ kỹ thuật trên máy tính.
Cơ chế hoạt động của máy in 3D là lần lượt phun lớp cát mỏng, rồi đến lớp keo nhân tạo (để kết thành thể rắn) nhằm tạo lập hình khối theo đúng thiết kế có sẵn. D-Shape có thể “in” được các kiến trúc phức tạp với nhiều đường cong, hệ thống ống và cột rỗng.
Theo Enrico Dini, D-Shape có thể “xây dựng” các mẫu kiến trúc nhanh gấp 4 lần so với các phương pháp truyền thống, và qua đó giảm đáng kể chi phí cũng như thời gian cho các kiến trúc sư.
Máy in có thể di chuyển theo một xà nằm ngang và bốn cột dọc. Để tiến hành in một lớp, máy in dịch chuyển lên trên khoảng 5 đến 10 mm. Enrico Dini sử dụng phần mềm CAD cho chiếc máy in này (dĩ nhiên là kết nối thông qua máy tính). Máy có thể in ở độ phân giải 25 dpi, vật liệu chủ yếu là keo nhân tạo, giống như chất liệu cẩm thạch nên chắc hơn xi măng rất nhiều và không cần khuôn đỡ.
Hiện Enrico Dini đang làm việc với một công ty kiến trúc của Anh và Trung tâm vũ trụ Alta để mô phỏng lại bề mặt của Mặt trăng với mục đích tìm hiểu quá trình hình thành nên hành tinh này. Nguyên liệu được sử dụng chính là cát Mặt trăng do các phi thuyền không gian mang về Trái Đất.
Ngoài ra, mơ ước cuối cùng của Dini là mô phỏng công trình kiến trúc nhà thờ Sagrada Familia độc đáo ở Barcelona. Dự kiến công việc này phải mất 16 năm nữa mới hoàn thành.
(Theo Phụng Nghi // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com