Khi người dân được cung cấp thông tin ở mọi nơi, mọi lúc, có nghĩa là thông tin được minh bạch và người dân bớt phụ thuộc vào cán bộ nhà nước. Nhưng, dùng CNTT làm đòn bẩy để cải cách hành chính công thành công tới đâu – điều đó còn phụ thuộc vào ý chí của từng tổ chức hay địa phương.
Với tư cách là nhà triển khai tham gia vào các quy trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính công từ trước và sau Đề án 112, ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm FPT, cho biết khó có thể so sánh được sự khác biệt của hai giai đoạn trước và sau này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các địa phương đã bắt đầu đẩy mạnh tin học hóa sau một thời gian chững lại.
Nhiều áp lực buộc phải ứng dụng CNTT
Theo ông Chiến, giai đoạn trước, chúng ta chưa có nhiều mô hình chuẩn về CNTT, chưa có nhiều nơi triển khai thành công và có hiệu quả để đo lường cụ thể nên tâm lý cẩn trọng, lo lắng còn nhiều. Hiện nay, đã có rất nhiều tổ chức hoặc địa phương đã thành công trong việc ứng dụng CNTT và đo lường được hiệu quả rõ ràng. Có những mô hình và các phần mềm cụ thể nên nhiều địa phương, nhiều đơn vị đã mạnh dạn, tự tin hơn trong ứng dụng. Ví dụ như phần mềm FPT ứng dụng tại 24 quận huyện của TP.HCM đã được các tỉnh khác học hỏi kinh nghiệm và triển khai.
Sự thất bại trong ứng dụng CNTT trước đó cũng để lại cho các địa phương nhiều kinh nghiệm để cân nhắc đầu tư thực tế hơn là đầu tư theo phong trào hay theo ngân sách quy định.
Đây cũng là giai đoạn dễ dàng bứt phá trong ứng dụng, theo ông Chiến, đơn giản là sức ép về cải cách hành chính, sức ép về sự đòi hỏi của người dân được phục vụ tốt hơn, sức ép phải có đủ thông tin phục vụ công tác quản lý, kể cả tâm lý tiến thủ “các đơn vị khác đã làm được sao mình không làm được”… đã buộc các địa phương phải ứng dụng CNTT trong công tác của mình. “Nó thành trào lưu hay xu hướng mà không địa phương nào có thể đứng ngoài được.
Từ chối có nghĩa là trì trệ và lạc lậu.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, ứng dụng CNTT có độ rủi ro rất cao và xác suất thành công thấp. Chính vì thế, thay vì triển khai ồ ạt như giai đoạn thực hiện Đề án 112 thì nay TPHCM đã thay đổi bằng cách chọn thực hiện thí điểm từ các địa bàn cơ sở, sau đó rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần mô hình rồi mới nhân rộng.
Việc chọn cấp quận huyện để triển khai với nhận định rằng đây là cấp xử lý công việc liên quan trực tiếp nhất đến đời sống của người dân như chịu trách nhiệm cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng, hồ sơ đất đai… là một bước đi hợp lý. Đây cũng là nơi tích hợp một khối lượng thông tin đồ sộ cần phải được xử lý nhanh và chính xác.
Theo ông Hà, CNTT không chỉ là công cụ mà còn là nội dung của cải cách hành chính. Đó là công cụ giúp minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Và việc này được từng bước thực hiện khi “một cửa điện tử” đi vào hoạt động. Từng hồ sơ cụ thể của người dân được chuyển đến đâu, được xử lý như thế nào đều được phản ánh công khai trên mạng. Một khi quy trình đã rõ ràng, minh bạch thì người chịu trách nhiệm về quy trình xử lý đó chịu một áp lực phải làm đúng, làm nhanh.
“Ốc đảo” trong “liên thông”
Dù là mô hình ứng dụng nào thì sản phẩm được tạo ra cũng nằm trong chuỗi quy trình, trong đó người dùng cuối quyết định “đầu ra” và mang lại thành công cho sản phẩm. Người dùng cuối ở đây là người thụ hưởng dịch vụ công – người dân – chứ không phải các công chức thực hiện quy trình. |
Mới đây nhất, đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa liên thông” tại Sở Kế hoạch-Đầu tư của thành phố này. Đoàn kiểm tra phát hiện các bộ phận làm việc còn nhiều thao tác thủ công, không có sổ nhật ký nhận-trả hồ sơ, chỉ lưu lại các bảng tổng hợp kết quả trong ngày. Có ngày chỉ có 25% số hồ sơ được giải quyết và nhiều người dân phải chờ đợi vài ngày sau mới nhận được kết quả.
Như vậy, việc “một cửa liên thông” chỉ mới là tên gọi, còn thực chất nội dung điều hành công việc tại các cơ quan hành chính như thế này còn nhiều vấn đề phải bàn. Và đó cũng là những điểm yếu phổ biến tại nhiều nơi hiện nay.
Ngay ở TP.HCM, nơi hệ thống CNTT được ứng dụng thành công nhất nước, việc ứng dụng đang mở rộng dần, lấy đơn vị trước làm kinh nghiệm cho đơn vị sau, nhưng nhiều nơi vẫn “ta thán” trong “liên thông” về nhiều sự bất cập như chương trình phần mềm quận này có yêu cầu khác với quận khác, hoặc có sở đã triển khai phần mềm ứng dụng không có hiệu quả nhưng vẫn không chấp nhận chương trình đã ứng dụng thành công từ cấp quận…
Nhiều nơi khác, dù có chương trình phần mềm, máy tính nhưng cán bộ, công chức vẫn giải quyết hồ sơ theo quy trình thủ công. Khái niệm thông qua phần mềm để tích hợp thông tin, phục vụ việc tra cứu, chia sẻ thông tin giữa các phòng chuyên môn vẫn còn khá xa lạ. Đây là một sự lãng phí lớn ở bất cứ giai đoạn nào khi tiền đầu tư cho CNTT gắn với khái niệm “cải cách hành chính công”.
Ứng dụng CNTT khi chưa trở thành một yếu tố hay là một bộ phận của “cơ thể” ngành thì sẽ giẫm chân tại chỗ. Kế hoạch Chính phủ điện tử của Việt Nam được các chuyên gia cảnh báo là chưa có độ gắn kết vì mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị lỏng lẻo và sự “vô tình” trong nền hành chính công hiện nay đã tạo ra vô khối “ốc đảo” trong việc điều hành, “hàng rào” lớn nhất cản trở các hoạt động hành chính theo đúng nghĩa “hành chính công”. Một chuyên gia nhận định, bao giờ các đơn vị, địa phương tự xóa đi các “ốc đảo” của chính mình thì mới nói đến được sự liên thông.
Ông Lê Mạnh Hà đã nhận định rằng việc ứng dụng CNTT trên cả nước đã có những bước tiến nhưng nhìn chung “vẫn còn hoang sơ”. Nhiều địa phương, lĩnh vực ngành nghề đã bứt phá trong việc phát triển mạnh các ứng dụng CNTT như TP.HCM, Hà Nội, Bộ Thông tin-Truyền thông ; hay nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, hàng không đã ứng dụng CNTT mạnh mẽ và có hiệu quả. Nhưng xét về toàn cục thì những thành tích đó còn mang tính đơn lẻ và cục bộ, chưa làm cho việc ứng dụng CNTT của cả nước tiến bước đồng đều và đi vào đời sống thực tiễn của người dân.
Chỉ số xếp hạng chính phủ điện tử nhiều năm qua có tăng nhưng đó là chỉ dựa vào sự tăng trưởng của số lượng trang web, trong khi điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ công mới là yếu tố quan trọng trong sự thành công của chính phủ điện tử. Xét ở yếu tố này thì ứng dụng CNTT tại Việt Nam nhìn chung chưa thành công. Dù là mô hình ứng dụng nào thì sản phẩm được tạo ra cũng nằm trong chuỗi quy trình, trong đó người dùng cuối quyết định “đầu ra” và mang lại thành công cho sản phẩm. Người dùng cuối ở đây là người thụ hưởng dịch vụ công – người dân – chứ không phải các công chức thực hiện quy trình.
“Một cửa liên thông” đang trở thành thông điệp của các địa phương hiện nay và là trọng tâm của cải cách hành chính năm 2009 trên toàn quốc. Trong bức thông điệp đó, việc ứng dụng CNTT nổi lên như một yếu tố bức thiết để đi đến thành công.
(Theo Hoàng My // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com