Sự cố Vietnamnet bị hacker tấn công đã đặt nhiều báo điện tử và website vào tình trạng báo động.
Luôn phải đề phòng
Ông Võ Đăng Thiên, Tổng Biên tập Báo Bưu điện VN (ictnews.vn), cho rằng sự cố Vietnamnet là dấu hiệu đáng lo ngại và Báo Bưu điện VN đã tăng cường phòng ngừa. Ông Thiên đề nghị các cơ quan chức năng cần có ngay biện pháp cụ thể để truy tìm thủ phạm.
Theo ông Phạm Hiếu, Phó Tổng Biên tập VnExpress, việc bảo đảm an toàn cho hệ thống là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cũng như làm nội dung tờ báo. Do vậy, Trung tâm Điều hành mạng của VnExpress thường xuyên rà soát và cập nhật các bản vá lỗi hệ thống cũng như các thông tin về bảo mật để phòng ngừa.
Tuy nhiên, VnExpress cũng đã từng bị hacker “hỏi thăm”. Đồng tình với các đồng nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt, phụ trách kỹ thuật Báo Điện tử VTC News, nhìn nhận: “Trên thực tế, không website nào là an toàn tuyệt đối. Do vậy, VTC News phải thường xuyên rà soát mã nguồn và sử dụng tường lửa để phòng chống hacker. Đặc biệt, luôn tranh thủ sự hỗ trợ của chuyên gia an ninh mạng với thái độ cầu thị trước các lỗ hổng phát sinh”.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Về mối lo của các báo điện tử trước thảm họa hacker, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN - VNCERT (Bộ Thông tin và Truyền thông), khuyến cáo: “Có nhiều giải pháp khác nhau để cân nhắc thiết lập hệ thống an toàn. Tuy nhiên, việc sẵn sàng móc hầu bao để có hệ thống bảo mật chưa hẳn đã hiệu quả”.
Ông Khánh cho rằng các báo điện tử phải có nhiều biện pháp như website dự phòng hoặc sử dụng hệ thống khác... Theo ông Khánh, khoảng 30% website lớn, quan trọng và có tiềm lực ở VN bị tấn công trong năm vừa qua.
Đi trước hacker
Ông Vũ Quốc Khánh cho rằng việc bảo vệ website đòi hỏi nhà quản trị hệ thống luôn cập nhật, giám sát và theo dõi lượng truy cập. Theo ông Khánh, hầu hết chủ sở hữu các trang web cho rằng công nghệ là an toàn trước các cuộc tấn công nhưng thực tế không phải vậy. “Sau một thời gian là hacker có thể phát hiện lỗ hổng trên website và thâm nhập. Muốn khắc phục, người quản trị hệ thống phải đi trước một bước so với hacker” – ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết ở VN, điều tra về an toàn thông tin cho thấy các website có nguy cơ bị tấn công rất cao vì số đông chủ sở hữu chưa có quy trình quản lý an toàn thông tin một cách đúng đắn và triệt để.
Đồng tình, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận an ninh mạng của Trung tâm An ninh mạng (Bkis), nhận định: “Nhiều website trong nước chưa có các giải pháp tổng thể từ kỹ thuật đến quy trình quản trị web”.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng dù quan tâm đến an ninh mạng đến đâu thì các trang web vẫn có thể bị tấn công nếu không có giải pháp tổng thể từ công nghệ đến con người.
Giấu việc bị tấn công Ngày 23-11, Hiệp hội An toàn thông tin VN công bố kết quả khảo sát hiện trạng an toàn thông tin tại VN trong năm 2010.Khảo sát này được thực hiện trong 5 tháng tại 500 tổ chức và doanh nghiệp. Kết quả cho thấy phần lớn doanh nghiệp và tổ chức ở VN đều tăng hoặc duy trì đầu tư ổn định cho vấn đề an toàn thông tin. Tuy nhiên, họ không có quy trình chuẩn để phản ứng lại các cuộc tấn công vào hệ thống máy tính. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và tổ chức không nhận biết hệ thống đã từng bị tấn công hay không hoặc đã bị tấn công bao nhiêu lần. Đặc biệt, 70% doanh nghiệp và tổ chức bị tấn công không thông báo cho cơ quan chức năng. |