Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sắp đến thời của truyền hình có thu phí

Thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực truyền hình cáp. Ảnh: Lê Toàn.

Truyền hình có thu phí là một loại hình dịch vụ đã phổ biến trên thế giới từ rất lâu nhưng là một lĩnh vực kinh doanh còn khá mới mẻ và nhiều tiềm năng ở Việt Nam…

Nhận thấy cơ hội lớn từ việc cung cấp dịch vụ truyền hình có thu phí, gần đây khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và cũng đã bắt đầu thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Đa số các đơn vị kinh doanh đều cho rằng giai đoạn đầu của truyền hình có thu phí tại Việt Nam đã qua, sắp đến giai đoạn phát triển mạnh…

Bùng nổ truyền hình cáp

Truyền hình có thu phí bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1993, với sự ra đời của Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV – liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn).

Theo số liệu của Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin-Truyền thông), đến nay có khoảng 45 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có thu phí trên toàn quốc như Trung tâm Dịch vụ truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Công ty Dịch vụ Truyền thanh-Truyền hình Hà Nội (BTS), Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), Trung tâm Truyền hình cáp Đài Truyền hình TPHCM (HTVC), Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC), Truyền hình cáp Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau…

Truyền hình cáp đã được cung cấp tới 62 tỉnh và thành phố với khoảng hai triệu khách thuê bao. Chỉ có một tỉnh chưa có truyền hình cáp là Lai Châu do mới chia tách địa bàn hành chính.

Tuy nhiên, truyền hình cáp chủ yếu tập trung ở những nơi đông dân cư, nơi mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Vì thế, phần lớn khách hàng của truyền hình cáp hiện tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận hai thành phố này.

“Việc ra mắt liên doanh giữa VTV với tập đoàn Canal là một dấu mốc phát triển mới cho lĩnh vực truyền hình cũng như truyền hình có thu phí tại Việt Nam. Bởi truyền hình số vệ tinh (DTH) thuận tiện cho việc phục vụ phần lớn dân cư ở nhiều vị trí địa lý khác nhau, ở những nơi có khó khăn cho việc phát triển truyền hình cáp".

Ông Vũ Văn Hiến, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam

Công ty Dịch vụ Truyền thanh-Truyền hình Hà Nội (BTS) là một trong những thương hiệu chiếm thị phần khá lớn trong thị trường dịch vụ truyền hình cáp. Ông Lê Đình Cường, Giám đốc BTS, cho biết đơn vị này bắt đầu kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp từ năm 2003 và chủ yếu tập trung ở thị trường Hà Nội. Hiện tại BTS có khoảng 120.000 khách thuê bao.

Việc phát triển khách thuê bao của BTS từ giai đoạn 2003-2005 bắt đầu tăng nhanh nhưng những năm gần đây đã dần chậm lại, phần lớn do bão hòa về lượng khách. Hiện Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính nên BTS đang hy vọng sẽ phát triển thêm khách hàng ở các địa bàn mới.

Là đơn vị có lượng khách thuê bao truyền hình cáp lớn nhất cả nước, Trung tâm Dịch vụ truyền hình cáp Việt Nam (VCTV – thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) có khoảng một triệu khách hàng trên toàn quốc, chiếm 50% thị phần cả nước. Ông Phạm Thái Hùng, Phó giám đốc VCTV, cho biết đơn vị này hiện kinh doanh dịch vụ tại 20 tỉnh thành trên toàn quốc và đang đầu tư, mở rộng kinh doanh dịch vụ ra nhiều tỉnh thành hơn nữa.

Đẩy mạnh DTH

Hiện truyền hình kỹ thuật số phát sóng qua vệ tinh (DTH – Direct-to-Home) là một dịch vụ có lượng khách thuê bao lớn thứ hai trong các loại hình dịch vụ truyền hình có thu phí. DTH được cho là dịch vụ bổ trợ cho dịch vụ truyền hình cáp. Do đặc thù phải kéo dây cáp nên truyền hình cáp không phù hợp cho những vùng xa và thưa dân cư. Vì thế, dịch vụ DTH được cung cấp hướng đến đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo…, nơi không có truyền hình cáp.

Truyền hình có thu phí là loại hình dịch vụ truyền hình mà người xem phải trả tiền khi xem. Hiện nay tại Việt Nam các dịch vụ truyền hình trả tiền được cung cấp là truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh (DTH), truyền hình Internet (IPTV)… Cả nước hiện có khoảng hơn hai triệu khách thuê bao truyền hình trả tiền các loại.

VCTV là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ DTH, từ năm 2004. Ông Hùng cho biết, ngay từ đầu VCTV cũng muốn phát triển mạnh dịch vụ này, nhưng thời điểm đó Việt Nam chưa phóng vệ tinh, nên muốn phát sóng phải thuê vệ tinh của Malaysia. Lúc bấy giờ dung lượng vệ tinh còn thừa của Malaysia mà VCTV thuê được chỉ đủ phát sóng 16 kênh. VCTV đã tìm cách tăng lên 21 kênh nhưng chất lượng đã bị giảm đi do dung lượng cho các kênh bị giảm.

Ông Hùng cho biết dịch vụ DTH của VCTV hiện có khoảng 100.000 khách thuê bao. Đến nay, khi Việt Nam đã có vệ tinh Vinasat 1, VCTV có thể thuê theo nhu cầu sử dụng nên dịch vụ DTH có điều kiện được tăng kênh theo nhu cầu.

Nhằm phát triển mạnh dịch vụ DTH, VCTV vừa liên doanh với một trong những tập đoàn hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình của Pháp là Canal. Liên doanh này sẽ hoạt động trong vòng 25 năm với vốn đầu tư vài chục triệu đô-la Mỹ. Đây là liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực truyền hình. Canal sẽ góp vốn, công nghệ, chiến lược và kinh nghiệm kinh doanh truyền hình có thu phí. Còn VCTV sẽ lo phát triển nội dung chương trình và hệ thống kênh phân phối trong nước.

Ông Hùng cho biết, với việc cho ra đời liên doanh này, đến tháng Mười tới VCTV sẽ tăng dịch vụ DTH lên thành 36 kênh và có thể tăng thêm vào năm sau. Cùng với kế hoạch tăng kênh, ngay sau khi liên doanh đi vào hoạt động, VCTV sẽ cung cấp những kênh truyền hình DTH thông thường. Nhưng về lâu dài sẽ tiến tới cung cấp ngày càng nhiều các kênh truyền hình có chất lượng cao (độ nét cao – HD).

“Chúng tôi đã có những cuộc khảo sát tìm hiểu thị trường Việt Nam. Kết quả cho thấy người dân Việt Nam rất thích xem truyền hình và họ sẵn sàng trả tiền để được xem những dịch vụ truyền hình có chất lượng cao. Việt Nam là quốc gia đông dân nên sẽ là một thị trường sôi động cho dịch vụ truyền hình trả tiền trong tương lai”.

Ông Bertrand Meheut, Chủ tịch tập đoàn Canal

Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) cũng đã tham gia thị trường truyền hình DTH từ đầu năm nay. Trước đây, VTC cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất theo mô hình chỉ bán đầu thu và cho phép người xem thu miễn phí các kênh truyền hình. Do tham gia thị trường DTH sau nên VTC ngay khi cung cấp dịch vụ đã hướng tới việc cung cấp những kênh truyền hình có độ nét cao mà các nhà cung cấp khác chưa làm kịp, bên cạnh việc cung cấp DTH thông thường.

Ông Lê Văn Khương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (chủ đầu tư của VTC), cho biết: “VTC tham gia vào thị trường không hướng tới việc cung cấp nhiều kênh truyền hình mà chọn lọc cung cấp những kênh có độ nét cao. Bởi các kênh truyền hình trả tiền hiện nay phát tới vài chục kênh, nhưng có những kênh mà khách hàng không xem đến hoặc ít khi xem.

Bên cạnh đó, VTC tập trung vào việc phát triển nội địa hóa các kênh truyền hình để giảm phí bản quyền (khi mua quyền phát sóng các kênh truyền hình nước ngoài) cũng như đáp ứng nhu cầu thông tin sát thực của người dân và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các kênh truyền hình (hiện có 14 kênh tự sản xuất).” Ông Khương cũng cho biết, việc đầu tư thiết bị truyền dẫn và phát sóng chương trình truyền hình DTH độ nét cao đắt gấp ba lần chương trình DTH bình thường, vì đòi hỏi thiết bị hiện đại và dung lượng đường truyền lớn.

Trong khi đó, ông Hùng cho rằng mặc dù loại hình dịch vụ DTH được đưa vào cung cấp nhằm bổ sung sự lựa chọn cho truyền hình có thu phí, song nếu chất lượng dịch vụ và nội dung tốt thì nó cũng cạnh tranh trực tiếp với truyền hình cáp ở khu vực thành thị.

Thị trường tiềm năng

Kinh doanh dịch vụ truyền hình có thu phí (cáp, DTH…) hiện hướng tới hai nguồn thu chính là phí thuê bao hằng tháng và doanh thu quảng cáo. Tuy nhiên, so với kênh truyền hình quảng bá (được xem không mất tiền) thì lượng thuê bao truyền hình có thu phí trên toàn quốc còn quá ít. Cả nước hiện có khoảng 27 triệu ti-vi nhưng trong đó chỉ có khoảng hai triệu khách thuê bao truyền hình trả tiền nên khách hàng quảng cáo còn ít, vì thế nguồn thu chủ yếu còn lại là từ phí thuê bao.

Một chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình cho biết, nếu phát triển số thuê bao tốt thì sau năm năm các đơn vị kinh doanh truyền hình cáp mới thu hồi được vốn đầu tư. Tuy nhiên muốn kinh doanh tiếp lại phải tiếp tục đầu tư những công nghệ mới, hiện đại. Ông Cường bổ sung: “Cứ đà này kinh doanh truyền hình cáp sẽ rất khó khăn.Bởi tiền thu phí thuê bao chỉ đủ trang trải chi phí về nhân viên, tiền bản quyền phát sóng các kênh nước ngoài.”

Cũng giống như BTS, các đơn vị kinh doanh truyền hình cáp vẫn đang nỗ lực đầu tư thu hút khách hàng và hy vọng trong tương lai việc thu hút quảng cáo sẽ khả quan hơn, khi mà truyền hình có thu phí thu hút phần lớn người xem như tại các nước phát triển trên thế giới.

Ông Khương nhận xét, với 87 triệu dân, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho dịch vụ truyền hình có thu phí.

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị