Các hãng điện thoại thông minh (smartphone) đang trong tình trạng thiếu chip để sản xuất dù thị trường tăng trưởng tích cực.
Các nhà sản xuất điện thoại đang thiếu chip trầm trọng. Ảnh: TL |
Do suy thoái từ năm 2008, các nhà sản xuất chip hạn chế sản lượng, giảm đầu tư công nghệ, và giảm mở rộng sản xuất. Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, đầu tư cơ sở và máy móc trong ngành sản xuất chip trong năm 2009 đã giảm trên 40% so với năm 2008, chỉ đạt 26 tỉ USD, và mức này trong năm 2008 cũng đã giảm 31%. Hậu quả là nay các hãng không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA) cho rằng, các nhà máy đang hoạt động 96% công suất, cao hơn nhiều so với mức 56% trong thời kỳ cao điểm khủng hoảng, mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, doanh số smartphone quý 2/2010 tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, và smartphone đang chiếm 19% thị trường điện thoại di động thế giới.
Tình trạng thiếu chip sản xuất ảnh hưởng đến kinh doanh của các nhà sản xuất điện thoại và nhà cung cấp dịch vụ di động. Công ty viễn thông Sprint Nextel (Mỹ) đã không thể thoả mãn nhu cầu về “siêu dế” EVO 4G (điện thoại đầu tiên dùng mạng 4G) của nhà sản xuất HTC tại một số bang ở Mỹ. Motorola cho biết, việc thiếu nhiều loại chip (từ chip cảm biến của camera đến chip kiểm soát màn hình cảm ứng) đã ảnh hưởng đến thời hạn phân phối điện thoại mới Droid X cho nhà mạng lớn nhất nước Mỹ Verizon Wireless. Kênh phân phối trực tuyến của Verizon Wireless đã hoãn giao hàng sản phẩm này trong hai tuần. Đây là một bất lợi lớn đối với Motorola trong việc đưa Droid X thành một đối thủ cạnh tranh với iPhone của Apple.
Giữa thời khan hiếm chip, theo một số chuyên gia, những “đại gia” như Apple sẽ ít bị ảnh hưởng. Linley Gwennap, người đứng đầu công ty nghiên cứu thị trường Linley Group, giải thích: “Là nhà sản xuất chip, bạn sẽ phục vụ những khách hàng lớn trước tiên”. Tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến cuối năm, do nhà sản xuất cần thời gian để vận hành dây chuyền sản xuất mới, và nâng cấp dây chuyền cũ, một việc bị lơ là trong thời gian qua.
(Theo Thanh Hùng // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com