Mười năm tới bạn có đến thư viện đọc sách không? Có thể là không vì bạn cũng bắt đầu có tuổi nhưng con cái của bạn chắc chắn là rất hiếm khi đến thư viện, trừ trường hợp rất đặc biệt nào đó. Lý do là các thư viện truyền thống phải nhường lối cho những thư viện số hóa với quy mô lớn hơn và rộng hơn.
Khi thư viện truyền thống với các ấn phẩm in bắt đầu được số hóa và lưu trữ với nhiều định dạng file khác nhau, sự xuất hiện của những phần mềm quản lý thư viện tiếp sau đó đã hình thành mô hình thư viện điện tử “lai” đầu tiên. Những thư viện điện tử này vẫn tiếp tục phát triển cùng với việc áp dụng các công nghệ lưu trữ, công nghệ tìm kiếm mới trên nền tảng Web 2.0 đã giúp tiến dần đến việc sưu tập các nguồn dữ liệu số lớn hơn theo các chuẩn thư viện thống nhất và có thể chia sẻ khối dữ liệu lớn giữa các thư viện với nhau trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Những thư viện số (digital libraries) hiện đại được xem là một xu hướng tất yếu.
Nhiều lợi ích
Khác với cách lưu trữ ở thư viện truyền thống chủ yếu dựa trên giấy như thư từ, công văn, sách báo, các công nghệ được sử dụng để tạo ra các nội dung kỹ thuật số dưới các định dạng file số khác nhau từ file tài liệu cho đến file âm thanh và hình ảnh.
Lợi thế của thư viện số là dễ dàng và nhanh chóng truy cập vào các kho lưu trữ sách số, hình ảnh đa định dạng. Thư viện số đang mở ra cho nhiều người cơ hội được tiếp cận 24/7 với kho dữ liệu số miễn là có kết nối Internet. Với cùng một nguồn dữ liệu, thư viện số dễ dàng cho nhiều người cùng truy xuất mà không cần chờ đợi, có thể đọc trực tiếp trên máy tính hay tùy ý in ra đọc hoặc tải về để đọc dần dần. Dĩ nhiên đây là với những ấn phẩm số không cần đến bản quyền. Và người đọc sẽ giã từ sự bất tiện do các quy định về giờ giấc, việc chờ đợi lâu để nhận sách... ở các thư viện truyền thống gây ra.
Giao diện của Thư viện số thế giới (wdl.org.en) nơi chia sẻ sách số quý từ các thư viện số của các quốc gia. |
Nếu thư viện truyền thống bị giới hạn về không gian vật chất để lưu trữ sách, thì thư viện kỹ thuật số có khả năng lưu trữ thông tin số được nhiều hơn. Một thư viện truyền thống phải chi tiêu một số tiền lớn cho nhân viên, chi phí bảo quản sách, thuê và mua sách bổ sung. Còn thư viện kỹ thuật số có thể lược giảm bớt hoặc, trong một số trường hợp, loại bỏ hẳn các khoản chi phí này. Cả hai loại thư viện yêu cầu lập các biên mục đầu vào để người sử dụng xác định vị trí và lấy tài liệu nhưng thư viện kỹ thuật số đơn giản nhất chỉ cần cung cấp công cụ truy cập biên mục tra cứu trực tuyến OPAC là đủ. Việc số hóa có thể tăng cường mức độ dễ đọc và loại bỏ sai sót có thể nhìn thấy trên các ấn phẩm như các vết bẩn và mất màu, chất lượng hình ảnh tốt hơn.
Nhờ những nền tảng công nghệ mới được ứng dụng, một thư viện bình thường có thể vượt qua bốn bức tường thư viện để kết nối với các thư viện khác trong nước và trên thế giới. Những ích lợi của thư viện số là không thể bàn cãi nhưng nó cũng đặt ra những vấn đề khác: lưu trữ và tìm kiếm.
Tương lai của thư viện số
Không ngẫu nhiên khi tác giả Daniel Akst của quyển The Webster Chronicle nói rằng tương lai của thư viện và thông tin là kỹ thuật số. Peter Lyman và Hal Varian, hai nhà khoa học thông tin ở trường University of California, Berkeley (Mỹ), ước tính mỗi năm cả thế giới sẽ tạo ra khoảng 1,5 tỉ GB nội dung qua bộ phim, ấn phẩm, nội dung trên đĩa từ và đĩa quang. Vì vậy việc tìm kiếm thông tin cần dùng trong rừng dữ liệu được lưu trữ rất quan trọng. Hầu hết các thư viện kỹ thuật số cung cấp một giao diện tìm kiếm cho phép nguồn tài nguyên được tìm thấy. Một số thư viện kỹ thuật số tạo ra các trang đặc biệt hoặc sơ đồ web cho phép công cụ tìm kiếm tìm tất cả tài nguyên của họ. Thư viện kỹ thuật số thường xuyên sử dụng các giao thức Open Archives Initiative cho việc thu hoạch siêu dữ liệu (OAI-PMH) từ nguồn tài nguyên web của các thư viện số thành viên.
Tại Việt Nam, Vebrary của Công ty Lạc Việt được xem là phần mềm xây dựng và quản lý thư viện số hiện đại nhất đáp ứng đúng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế và quốc gia về công nghệ thông tin và thư viện. Vebrary hỗ trợ khung biên mục MARC21, USMARC, chuẩn trao đổi truy vấn thông tin Z39.50 cũng như chuẩn ứng dụng mượn tài liệu liên thư viện ISO 10160/10161 và khổ mẫu trao đổi ISO 2709. Mới đây, Công ty Lạc Việt hợp tác với IBM để cung cấp Vebrary trên nền tảng điện toán đám mây thì cơ hội xây dựng các thư viện số ở các trường đại học, tỉnh thành thật sự đến gần hơn. Vấn đề hàng đầu về bài toán chi phí đầu tư cho thư viện hiện đại và hữu hiệu – đang bị vơi đi theo từng năm vì nhiều lý do – có thể có được lời giải.
Thư viện số sử dụng Vebrary như một dịch vụ ứng dụng trên đám mây sẽ trả phí theo nhu cầu sử dụng nhưng bù lại có thể khai thác nguồn dữ liệu này đa dạng hơn và thu lại phí từ người sử dụng. Sự kết nối giữa các thư viện số với nhau cũng giúp chia sẻ nhiều đầu sách số hay dữ liệu lớn và phong phú hơn. Tuy vấn đề lưu trữ những khối lượng dữ liệu số khổng lồ của các thư viện số (lưu trữ trên đám mây thay vì ở hệ thống máy chủ của từng thư viện số) được giải quyết, thì theo các chuyên gia, vấn đề bản quyền vẫn là một rào cản lớn đối với mô hình liên thư viện số và file lưu trữ cũng không phải là cách bảo tồn chắc chắn vì chúng cũng có thể bị hư hỏng.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // digitallibraries)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com