Những mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, MySpace, Twitter... đang trở thành mục tiêu hàng đầu để các băng nhóm tội phạm công nghệ cao nhắm đến để tấn công.
Bằng cách lợi dụng những thông tin cá nhân như: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, email, số điện thoại… vô tình được khai báo trên mạng, những tên tội phạm này có thể lấy cắp những khoản tiền đáng kể của các nạn nhân.
Khoảng một nửa các công ty tại Mỹ đã ngăn nhân viên truy cập một số trang web để đề phòng sự xâm nhập của tin tặc thông qua các trang web mà họ đã truy cập.
Từ tháng 8-2008, một loại virus mới xuất hiện mang tên Koobface (cách viết đảo ngược các chữ cái của mạng xã hội Facebook) đã tấn công và gây thiệt hại cho hàng ngàn người sử dụng mạng Facebook cũng như một số mạng xã hội phổ biến khác.
Virus này được gửi đến thông qua lời cảnh báo phần mềm Flash player của Adobe Systems đã quá hạn và mời người dùng cập nhật phiên bản mới, nhưng thực tế là trang web được mời ấy có chứa virus. Chỉ cần người dùng cả tin nhấp chuột vào trang web ấy, ngay lập tức máy tính của họ sẽ bị nhiễm virus Koobface! Virus từ máy tính này sẽ được phát tán đến nhiều máy tính khác thông qua những email được gửi đi bình thường sau đó.
Chính người gửi email cũng không thể biết được mình đã vô tình “tặng kèm” virus độc hại đến người quen. Một hình thức tấn công khác mà nhiều người sử dụng Facebook hay Twitter gặp phải là từ một tài khoản đã bị đánh cắp, virus tự động gửi những liên kết chứa mã độc tới danh sách bạn bè của nạn nhân và hướng họ tới một địa chỉ web gần giống như trang đăng nhập của Facebook hay Twitter.
Những người này nếu không cẩn thận kiểm tra địa chỉ sẽ vô tình cung cấp thông tin truy nhập của mình. Sau đó, những kẻ tấn công sẽ sử dụng tài khoản của nạn nhân mới này để gửi tiếp những email lừa đảo tương tự tới danh sách bạn bè của họ.
Hàng loạt trường hợp nhiễm virus mới sẽ lại được bắt đầu từ đây. Một kiểu đánh cắp thông tin cá nhân khác mà nhiều người gặp phải chính là thông qua hình thức các thiệp điện tử chúc mừng vào các dịp lễ đặc biệt hoặc các kỳ nghỉ.
Để được nhận những tấm thiệp này, nạn nhân đã vô tư điền những thông tin quan trọng như mật mã, số tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, tin tặc còn dùng các phần mềm đoán số tử vi, trò chơi đoán ô chữ, trò chơi trực tuyến miễn phí với những yêu cầu nhập thông tin cá nhân tương tự.
Facebook là mạng xã hội có số lượng người dùng lớn nhất hiện nay. Trong tháng 4 năm nay, Facebook vượt ngưỡng 200 triệu thành viên trên toàn cầu và tính đến thời điểm hiện tại, chỉ sau gần 4 tháng, Facebook đã đạt con số ấn tượng với hơn 250 triệu thành viên.
Với sự lớn mạnh nhanh chưa từng có, Facebook (ảnh) đã trở thành mạng xã hội “gây sốt” nhất hiện nay. Chính vì thế, mạng xã hội này trở thành một trong những mục tiêu chính để các nhóm tội phạm công nghệ cao tấn công. Để đảm bảo uy tín của mình cũng như ngăn chặn sự phát tán của virus Koobface cho người đang dùng mạng của mình, Facebook đã phải đóng nhiều tài khoản của khách hàng có biểu hiện bị nhiễm virus, ví dụ như tài khoản đó tự động gửi đi quá nhiều tin nhắn.
Các chuyên viên an ninh mạng nhận định mục đích của các tin tặc hiện nay là trục lợi kinh tế. Nhiều nhóm tin tặc chuyên nghiệp và rất nguy hiểm đã xuất hiện tại Nga, Trung Quốc, Brazil, Ukraine. Vì thế, người dùng luôn phải tự bảo vệ mình ở mức độ cao nhất để tránh những nguy cơ tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. |
Symantec - hãng sản xuất phần mềm bảo mật nổi tiếng của Mỹ đã khuyến cáo người dùng phải luôn cảnh giác với những thông điệp gửi đến từ bất cứ địa chỉ nào. Đặc biệt là những đường link được cho rằng kết nối đến phần khai báo mật khẩu, đăng nhập vào tài khoản của bạn.
Thay vì nhấn trực tiếp vào đường link ấy, bạn nên nhập vào thanh địa chỉ trên trang web và sau đó mới đăng nhập. Một trong những lời khuyên về việc thiết lập và sử dụng mật khẩu một cách an toàn là nên thiết lập những mật khẩu riêng biệt cho từng tài khoản để giảm bớt rủi ro nếu một trong những mật khẩu ấy bị đánh cắp.
Nếu mật khẩu của tài khoản trên mạng xã hội trùng với mật khẩu tài khoản giao dịch trực tuyến, thiệt hại của nạn nhân khi gặp rủi ro càng nặng nề hơn. Riêng với việc thiết lập một mật khẩu, người dùng nên chú trọng đến tính ngẫu nhiên của các ký tự, không nên sử dụng thông tin như ngày sinh, nickname… để điền vào mật khẩu. Một mật khẩu an toàn thường có độ dài 8 ký tự và nên kết hợp giữa ký tự hoa với ký tự thường cùng những con số.
(Theo HÀ NHI (Theo AFP) // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com