Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ kinh doanh ý tưởng đến đổi mới công nghệ

Sự ra đời của Sàn giao dịch công nghệ TPHCM sẽ hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Ảnh chụp văn phòng điều hành Sàn giao dịch công nghệ TPHCM. Ảnh: Đình Nghĩa.

TPHCM vừa cho ra mắt sàn giao dịch công nghệ vào cuối tháng 3 vừa qua, với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ...

Ngoài việc góp phần đẩy mạnh việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, sàn còn tham gia đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động chuyển giao công nghệ để phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Trong ba năm đầu tiên đi vào hoạt động, sàn sẽ hỗ trợ nhiều dịch vụ miễn phí cho các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, sự ra đời của sàn giao dịch công nghệ TPHCM vào thời điểm này sẽ giúp giải quyết phần nào nhu cầu của các doanh nghiệp về đổi mới công nghệ, cụ thể là tìm kiếm những công nghệ được phát triển trong nước có chất lượng, giá cả tốt. Bên cạnh đó, sàn cũng đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ các nhà khoa học tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm chất xám của mình, vốn đầu tư cho các quá trình nghiên cứu và phát triển.

Cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà khoa học

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, đơn vị chủ quản sàn giao dịch công nghệ, cho biết các sản phẩm từ sàn này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, minh bạch hơn so với chợ công nghệ, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi giao dịch. Ngoài ra, sàn giao dịch sẽ hướng đến việc tạo nguồn cung ổn định thông qua việc duy trì sự kết nối với các nhà khoa học, các trường đại học và các viện nghiên cứu, các công ty công nghệ trong và ngoài nước…

“Chợ công nghệ chỉ là nơi giới thiệu công nghệ là chính, còn sàn là nơi hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong cả quá trình giao dịch, chuyển giao công nghệ thông qua các dịch vụ như thẩm định. Việc đánh giá công nghệ ở sàn phải mang tính khách quan, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cho cả bên bán và bên mua”, ông Tân nói.

Ông Lương Tú Sơn, Trưởng văn phòng điều hành Sàn giao dịch công nghệ TPHCM, cho hay các tổ chức, cá nhân có giải pháp công nghệ, thiết bị ký gửi hay chào bán tại sàn giao dịch sẽ được hỗ trợ hoàn thiện công nghệ trước và sau khi chuyển giao, đồng thời được tư vấn về các chính sách ưu đãi trong việc phát triển công nghệ, được giới thiệu đến người mua phù hợp.

Cụ thể, người bán và người mua qua sàn sẽ được hỗ trợ miễn phí trong ba năm đầu các dịch vụ như định giá và giám định công nghệ, tư vấn lập hợp đồng chuyển giao và phí môi giới chuyển giao công nghệ…
Sàn cũng khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học cùng nghiên cứu, phát triển công nghệ, sau này chia sẻ lợi nhuận khi thương mại hóa.

Đối với các kết quả nghiên cứu trong nước có khả năng thương mại hóa, tiềm năng ứng dụng thực tế cao, sàn sẽ hỗ trợ sản xuất thử nghiệm sau khi nghiệm thu, tiền hỗ trợ không hoàn lại dùng để hoàn thiện công nghệ đến 30% dự án. Ngoài ra, sàn cũng sẽ hỗ trợ việc vay vốn từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ để hoàn thiện công nghệ.

Việc hỗ trợ sẽ tiếp tục trong cả quá trình thương mại hóa hoặc tư vấn thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ sau đó, để được hưởng chính sách ưu đãi, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong chín năm tiếp theo, ông Sơn cho biết.

Cần sự đầu tư lâu dài

Theo ông Sơn, sàn đang thiết lập mối quan hệ với các đối tác, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và trường có thế mạnh về công nghệ như Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Cơ học và Tin học ứng dụng, Viện Công nghệ hóa học, Phân viện công nghệ sau thu hoạch… để tìm kiếm nguồn cung sản phẩm cho sàn.

Cụ thể, sàn sẽ xây dựng một danh mục các kết quả nghiên cứu của các tổ chức kể trên, bao gồm thông tin về những công nghệ có tiềm năng chuyển giao, công suất, tính năng, mục tiêu ứng dụng, thông tin về thị trường tiềm năng… để doanh nghiệp có nhu cầu về công nghệ dễ dàng tham khảo. Hiện nay, danh mục đã có hàng trăm giải pháp công nghệ, trong đó hơn 30 giải pháp đã sẵn sàng cho việc chuyển giao.

“Sàn giao dịch cũng dự định hợp tác với các hiệp hội ngành nghề về lương thực-thực phẩm, cơ khí, điện tử… để tiếp thị và tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghệ”, ông Sơn nói. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tìm cách thiết lập mạng lưới chân rết, kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và các địa phương khác thông qua các phòng kinh tế của quận huyện, hay sở khoa học và công nghệ các tỉnh thành.

Khi tìm hiểu được những doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, sàn sẽ tìm kiếm giải pháp phù hợp từ các đối tác nguồn cung trong và ngoài nước. Sàn sẽ chọn lọc, phân tích, đánh giá những giải pháp nào phù hợp về cả yếu tố công nghệ lẫn yếu tố kinh tế, giá trị hợp đồng phù hợp… và tư vấn cho các đơn vị có nhu cầu.

Theo các chuyên gia, thời gian trước đây, nhiều sàn giao dịch tại các địa phương ra đời với mục đích là gắn kết giữa cung và cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là sàn giao dịch việc làm, sàn giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu…, nhưng đa số đều không có hiệu quả như mong đợi.

Lý do là các sàn này phần lớn được đầu tư ban đầu với số vốn lớn nhưng lại không mang tính chất dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với các sàn giao dịch này do không thấy được lợi ích khi tham gia.

Do vậy, để thành công, Sàn giao dịch công nghệ TPHCM phải chứng minh cho các doanh nghiệp thấy được những lợi ích mà họ sẽ đạt được khi giao dịch tại đây và các ngành chức năng phải có chiến lược đầu tư dài hạn cho sàn.

Ông Sơn nói rằng, những kinh nghiệm học hỏi được từ việc xây dựng và điều hành các sàn giao dịch công nghệ của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc... sẽ được chọn lọc cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong thời gian thử nghiệm, Sàn giao dịch công nghệ TPHCM sẽ được Nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính nhằm hướng đến mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, chứ không tập trung vào việc thu phí của doanh nghiệp.

Trong thời gian đầu, kinh phí hoạt động của sàn do ngân sách nhà nước cấp. Sau thời gian thử nghiệm các ngành chức năng sẽ có đề xuất chính sách cụ thể, ví dụ như khi thương mại hóa công nghệ thành công, sàn sẽ có thu phí theo quy định, nguồn thu này được sử dụng vào việc đầu tư tiếp tục cho sự phát triển của sàn.

Tại lễ ra mắt hôm 27-3 vừa qua, Sàn giao dịch công nghệ TPHCM đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ chiết xuất tinh dầu trầm bằng phương pháp khí cac-bo-nic, do Viện Công nghệ hóa học TPHCM chủ trì, cho Công ty TNHH Nghiên cứu Sản xuất Tinh dầu Handa.

Ngoài ra, Công ty Handa cũng đã được tư vấn về việc thành lập doanh nghiệp khoa học và vay vốn 4,6 tỉ đồng từ Quỹ phát triển khoa và học công nghệ của TPHCM với lãi suất ưu đãi.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị