Ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính ở Việt Nam đã có những bước tiến khá dài so với vài năm trước đây. Tuy nhiên, trong sự đi lên đó vẫn còn những hạn chế, như: việc gắn kết và tích hợp giữa các bộ phận khác nhau kém, dẫn tới sự lãng phí nguồn tài nguyên khi Kho bạc, Tổng cục Thuế và Hải quan cùng giải quyết chung một vấn đề, "dẫm chân chồng chéo lên nhau".
Phát biểu tại Hội thảo "Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực Tài chính 2009" sáng 23/9 tại Hà Nội,
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Phạm Sỹ Danh khẳng định: "Xây dựng một mô hình tài chính hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu, có vai trò đặc biệt quan trọng của Việt Nam tại thời điểm này".
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Phạm Sỹ Danh: Ngành Tài chính cần ứng dụng mạnh CNTT, tranh thủ tối đa các tiến bộ công nghệ để xây dựng được một loạt các công cụ thanh toán, dịch vụ tài chính công và dịch vụ gia tăng trong giao dịch tài chính. (Ảnh: Trọng Cầm) |
Sau 5 lần tổ chức, Hội thảo năm 2009 tập trung xoáy vào chủ đề: Xây dựng nền tảng Dịch vụ Tài chính công Điện tử", với mong muốn đề xuất được các mô hình khai thác dịch vụ, các công cụ thanh toán trong giao dịch tài chính điện tử, dịch vụ giá trị gia tăng, các ứng dụng tác nghiệp chuyên sâu cho một ngành rất đặc thù như Tài chính.
Ông Danh khẳng định: ngành Tài chính cần phải ứng dụng mạnh CNTT, tranh thủ tối đa các tiến bộ công nghệ để xây dựng được một loạt các công cụ thanh toán, dịch vụ tài chính công và dịch vụ gia tăng trong giao dịch tài chính. "Đây không chỉ là vấn đề nóng bỏng của riêng ngành Tài chính, mà còn là mối quan tâm của cả xã hội hiện nay", ông Danh chia sẻ.
Thông qua các bài tham luận của đại diện đến từ Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng Khoán, Cục Tin học và Thống kê Tài chính, cử tọa có thể nhận thấy rõ những thách thức đang giăng đón công cuộc hiện đại hóa, điện tử hóa dịch vụ hành chính công tại Việt Nam. Khó khăn thì có nhiều, từ nhân lực thiếu, trình độ ứng dụng CNTTcòn hạn chế, đến cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa thực sự sẵn sàng cho dịch vụ điện tử...
Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất vẫn là sự thiếu liên thông, gắn kết và tích hợp giữa các bộ phận khác nhau, dẫn tới sự lãng phí nguồn tài nguyên khi Kho bạc, Tổng cục Thuế và Hải quan cùng giải quyết chung một vấn đề, "dẫm chân chồng chéo lên nhau".
Với 29 diễn giả là các chuyên gia đến từ quốc tế, cùng nhiều quan chức, lãnh đạo trong nước, Bộ Tài chính mong muốn nhận được những bài học, kinh nghiệm, lời khuyến, tư vấn đáng giá, thiết thực và "sát sườn" với Việt Nam. Mà như chia sẻ của ông Phạm Sỹ Danh, thì "việc định hướng ứng dụng CNTT theo hướng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử chính là mục tiêu, là vấn đề cần trao đổi lớn nhất của Chính phủ trong giai đoạn tới đây".
Lấy thí dụ, một trong những vấn đề cấp bách của ngành Thuế hiện nay là cung cấp dịch vụ thuế điện tử đến với các đối tượng nộp thuế, điều mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai thành công nhưng tại Việt Nam mới chỉ rục rịch thí điểm trên diện hẹp.
Hiển nhiên, một khi được triển khai rộng rãi, hệ thống thuế điện tử không chỉ mang lại lợi ích cho cơ quan thuế mà còn cả cho người nộp thuế và cho nhà nước. Nếu như các giải pháp tích hợp và liên kết các bên được áp dụng suôn sẻ, trong tương lai, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể nhận lương/trả lương và đóng thuế/nhận hoàn thuế ngay tại một ngân hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí mà lại cho phép công tác kiểm soát, kiểm tra dễ dàng hơn.
Tương tự, hải quan điện tử cũng chỉ mới dừng lại ở việc thí điểm ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh sau 4 năm triển khai, dù nó đã thể hiện rõ tính ưu việt so với thủ tục hải quan truyền thống. Theo Chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng thông quan điện tử tại 10 tỉnh thành trên cả nước đến hết năm 2011.
Một khó khăn lớn trước đây của thông quan điện tử là việc cơ quan hải quan chưa thể xác thực doanh nghiệp và duyệt đơn thông quan qua mạng. Nhưng với việc Bộ TT&TT vừa tiến hành cấp phép cho nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công đầu tiên, hy vọng hệ thống chứng thực số và chữ ký số tại Việt Nam sẽ có thể đi vào đời sống và mở đường cho các dịch vụ giao dịch điện tử, hải quan điện tử và xa hơn là chính phủ điện tử.
Tuần trước, Bộ Tài chính thông báo sẽ sử dụng hệ thống Chứng thực chữ ký số của Nhà cung cấp dịch vụ C.A công đầu tiên tại Việt Nam (VNPT), trong khuôn khổ chương trình thí điểm "Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet".
(Theo Vnn/Bao Binh Thuan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com