Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam tụt hạng về gia công phần mềm

Ngành CNTT nội địa đang xôn xao trước Báo cáo về 100 Thành phố hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm vừa được Công ty tư vấn Tholons công bố. Năm nay, TP.HCM đứng ở vị trí số 17, trong khi Hà Nội ở vị trí 21, lần lượt tụt 12 và 11 bậc so với năm 2009.
Mặc dù vậy, Tholons vẫn đánh giá tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia mạnh về cung cấp dịch vụ thuê ngoài CNTT, có tiềm năng thay thế các cường quốc gia công như Trung Quốc và Ấn Độ.

Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), bên lề Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012, diễn ra trong hai ngày 26-27/6 tại Hà Nội, về vấn đề này.

- Ông nhận định thế nào về sự tụt hạng của TP.HCM và Hà Nội trong Báo cáo Tholons? Đây có phải là một tín hiệu đáng lo ngại cho nền gia công thô của Việt Nam hay không?


- Thực ra chúng ta tụt hạng không có nghĩa là chúng ta giậm chân tại chỗ, chúng ta không phát triển. Vấn đề là các nước khác họ cũng phấn đấu, cũng nỗ lực rất nhiều và họ tiến nhanh hơn chúng ta. Đây chính là thách thức rất lớn cho Việt Nam.

Một vấn đề nữa mà tôi muốn đề cập ở đây, là tuy chúng ta vẫn là thị trường outsource có giá tốt nhất trên thế giới (điều này đã được ghi nhận một cách rõ ràng), nhưng chúng ta lại thiếu nguồn nhân lực gia công một cách đáng tiếc.

Tôi tạm so sánh thế này, một thành phố của những quốc gia outsource hàng đầu đào tạo được 3 vạn nhân lực mới mỗi năm, trong khi cả Việt Nam chỉ có đầu ra 4.000 người/năm. Nói cách khác, các nước đối thủ họ tiến nhanh như vậy, nếu chúng ta không tự quyết liệt lên thì khó tránh khỏi tụt hạng.

- Trong Báo cáo của Tholons có nhắc đến giá trị 5,59 tỷ USD xuất khẩu phần mềm của Hà Nội. Ông có bình luận gì về con số này?

- Tôi không nghĩ con số này chính xác. Chúng ta chưa có quy mô lớn đến như vậy.

- Cá nhân ông, với cương vị Chủ tịch VINASA kiêm lãnh đạo doanh nghiệp, nhận thấy tình hình thực tế của công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT nội hiện nay ra sao? Mức độ khó khăn đến đâu?


- Bên cạnh yếu tố vĩ mô là kinh tế khó khăn, thì bản thân nhiều công ty đang khó khăn, thậm chí phá sản là vì họ không có sức cạnh tranh. Chi phí cao, giá thành cao, khả năng thích ứng lại chưa tốt.

Tuy nhiên, nhận định chung thì những Doanh nghiệp nằm trong khối xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng, vì họ có năng lực cạnh tranh thực tế trong lĩnh vực gia công phần mềm. Những doanh nghiệp làm dịch vụ, theo tôi sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng. Chỉ những doanh nghiệp liên quan đến phần cứng, bán lẻ thì mới khó khăn nhiều.

- Các doanh nghiệp CNTT lớn, trong đó có cả FPT, đều than thở rất nhiều về bài toán nhân lực. Tuy nhiên dường như chúng ta vẫn chưa có được một giải pháp nào thực sự “tối hậu”?

- Cái này là hệ quả của cả một giai đoạn phát triển bong bóng thời gian vừa qua. Tất cả mọi người đều nghĩ phải chọn con đường làm giàu dễ nhất. Hãy đến với ngân hàng, bất động sản… Đó đều là những lĩnh vực phi sản xuất, nhưng một nguồn lớn tài năng đã bị kéo vào giá trị ảo đó. Trong khi Báo cáo của Chủ tịch Liên minh CNTT thế giới đã khẳng định, hướng đi đúng lẽ ra phải là chuyển từ tiêu dùng sang sản xuất. Nghĩa là chúng ta phải sản xuất, phải tạo ra giá trị thực. Đây là một vấn đề mà giới trẻ Việt Nam, các gia đình và ngay cả Chính phủ cũng cần nhìn nhận lại.

Có một thực tế nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là, thị trường đang lớn hơn năng lực cung cấp của chúng ta. Chỉ đơn cử như ở FPT, một năm chúng tôi dự kiến tuyển trên 1000 người, thế nhưng không bao giờ tuyển được đủ chỉ tiêu, thường xuyên thiếu khoảng 300 người.

- Xin cám ơn ông!

------------------
Theo VietnamNet

----------------------------

Ứng dụng phần mềm nguồn mở: Vẫn nhích từng bước

Xuân Bách/ICT News

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết,
cộng đồng CNTT-TT Việt Nam vẫn đang trăn trở
vì sao PMNM vẫn chưa thể phát triển
"Với cách làm hiện nay thì kết quả đạt được của việc phát triển ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) tại Việt Nam sẽ chỉ nhúc nhích từng năm một. Cần cách làm mới để đạt được những kết quả đột phá".

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc Hội thảo "PMNM trong cơ quan, tổ chức Nhà nước" diễn ra sáng nay, 15/6 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, cộng đồng đều biết tới những lợi ích của PMNM như tiết giảm chi phí sử dụng phần mềm cho hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức; đảm bảo tốt hơn về an toàn an ninh thông tin, làm chủ về bản quyền, sở hữu trí tuệ… Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển PMNM nhưng kết quả vẫn khiêm tốn.

Với mong muốn tìm bài giải cho câu hỏi: Tại sao dù có rất nhiều lợi điểm nhưng PMNM vẫn chưa thể vượt qua được ngưỡng để phát triển, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo PMNM trong cơ quan, tổ chức Nhà nước. Hội thảo là một phần của Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi về những tồn tại của cơ chế chính sách cũng như hoạt động thúc đẩy PMNM, chỉ rõ những rào cản chưa thể vượt qua được.

Đặc biệt, nhiều giải pháp cụ thể đã được đề xuất với Bộ TT&TT. Điển hình như đại diện Liên danh tư vấn C3S - DTT (đơn vị tư vấn cho Bộ TT&TT về Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam) nêu tới 8 giải pháp để thúc đẩy ứng dụng PMNM gồm:

Thứ nhất, Nhà nước cần có quan điểm rõ ràng và thống nhất về ứng dụng PMNM, phổ biến thông điệp về quan điểm này cho cộng đồng người sử dụng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Ví dụ, để đảm bảo vấn đề an ninh dữ liệu, cần sử dụng PMNM cho các hệ thống back-end (DBMS, OS cho Server…) để tránh bị phụ thuộc hạ tầng thông tin vào các hãng cung cấp giải pháp back-end mã đóng.

Thứ hai, bổ sung hình thức mua sắm phần mềm như mua dịch vụ trong các cơ quan Nhà nước, phù hợp với xu thế điện toán đám mây (cloud computing).

Thứ ba, các cơ quan Nhà nước lập dự toán hàng năm mua sắm các sản phẩm dịch vụ phần mềm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện như kinh phí chi thường xuyên; tạo điều kiện để doanh nghiệp thấy đã có thị trường và tăng cường đầu tư cho việc ứng dụng, phát triển và cung ứng các dịch vụ cạnh tranh.

Thứ tư, xây dựng hướng dẫn tính tổng chi phí đầu tư (TCO) cho những giải pháp phần mềm đáp ứng yêu cầu, xây dựng hướng dẫn chi tiết, trong đó có đánh giá về chức năng, hiệu quả đầu tư trong ít nhất 5 năm.

Thứ năm, xây dựng biểu thuế suất thuế nhập khẩu cho phần mềm đóng gói, thu thuế để đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Thứ sáu, phê duyệt các dự toán chi ngân sách cho những giải pháp PMNM xây dựng theo yêu cầu không dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, không cố định tổng mức đầu tư. Chỉ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho ứng dụng các PMNM thông dụng.

Thứ bảy, đưa PMNM vào các trường đại học bằng cách đưa chỉ tiêu máy tính/sinh viên như một chỉ tiêu đánh giá chất lượng đào tạo, trên cơ sở chỉ tiêu đó, kiểm soát số lượng license của các phần mềm thương mại nhằm đưa PMNM vào đào tạo song song với phần mềm thương mại.

Thứ tám, ứng dụng hoàn toàn PMNM cho các kiosk dịch vụ công, bảng điện tử.

Với tinh thần tranh luận tích cực, một số đại biểu đã đưa ra ý kiến trái chiều về những giải pháp trên. Chẳng hạn, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục & Đào tạo khuyến nghị không nên dùng biện pháp đánh thuế phần mềm nhập khẩu mã nguồn đóng khi chưa có giải pháp PMNM thay thế; không nên đưa ra chỉ tiêu máy tính/sinh viên vì chỉ tiêu này đã lỗi thời, các sinh viên đang có xu hướng tự mua sắm laptop để phục vụ cho việc học tập.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận về chủ đề ứng dụng PMNM trong quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công.

 

  • Công nghệ thông tin: Để thoát khỏi bóng của người khổng lồ?
  • Máy tính cá nhân bị “thất sủng”
  • Thị trường ứng dụng di động Việt, bắt đầu một cuộc đua?
  • Khi công nghệ tiến sâu vào địa hạt thời trang
  • “Bộ không can thiệp nhà mạng tăng giá cước 3G”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị