Các nhà khoa học cho biết ý tưởng của mô hình tuốc bin gió kiểu này dựa trên kết cấu của lá cây sung dâu và công nghệ giàn khoan dầu nổi
Các công ty của Anh đã chính thức tham gia cuộc đua toàn cầu trong việc thiết kế và xây dựng các tuốc bin gió khổng lồ, có kích thước và công suất lớn gấp ít nhất hai lần các tuốc bin phát điện lớn nhất hiện nay. Nếu thành công, các tuốc bin gió này có thể làm thay đổi nguồn cung điện toàn cầu và hứa hẹn một nguồn năng lượng sạch vô tận cho thế giới.
Tuốc bin Aerogenerator
Tập đoàn Thiết kế cơ khí Arup ngày 26-7 đã thông báo kế hoạch hợp tác với một nhóm nhà khoa học có sự bảo trợ của các tập đoàn cơ khí và năng lượng hàng đầu của Anh là Rolls Royce, Shell và BP để thiết kế một loại tuốc bin gió có tên Aerogenerator. Cỗ máy này bao gồm hai sải cánh lớn, với khoảng cách giữa hai điểm xa nhất gần 275 m, nằm nghiêng và tự quay quanh trục đặt trên bệ nổi trên mặt biển, có khả năng sản sinh ra 10 MW điện/năm.
Hiện các tuốc bin gió lớn nhất cũng chỉ có công suất 5 MW. Các nhà khoa học cho biết ý tưởng của mô hình tuốc bin gió kiểu này dựa trên kết cấu của lá cây sung dâu và công nghệ giàn khoan dầu nổi. Chúng sẽ khắc phục những yếu điểm về trọng lượng của tuốc bin truyền thống. Dự kiến những chiếc tuốc bin Aerogenerator đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm 2013-2014.
Cuộc đua xây dựng các trạm điện gió khổng lồ ngoài khơi đã được nhen nhóm hồi đầu năm nay với tuyên bố của Clipper, công ty có quan hệ chặt chẽ với Bộ Năng lượng và Phòng thí nghiệm năng lượng tái sinh quốc gia của Mỹ trong việc thiết kế các tuốc bin gió có tên Britannia ở ngoài khơi Đông Bắc nước Anh.
Một tuốc bin gió ngoài biển
Các tuốc bin Britannia chỉ là sự phóng đại của các mô hình tuốc bin gió truyền thống kiểu “cối xay gió” vốn đã khá phổ biến ở Anh. Chúng được lắp cố định trên mặt biển ở độ cao 180 m và có công suất tới 10 MW. Clipper cho biết nếu thành công về mặt công nghệ và tài chính, mỗi tuốc bin Britannia có khả năng cung cấp điện sinh hoạt cho 5.000-10.000 hộ gia đình, tương đương nguồn năng lượng của 2 triệu thùng dầu mỏ, trong thời gian 25 năm tồn tại.
Cuộc chạy đua thiết kế tuốc bin gió khổng lồ còn phải kể đến dự án của Tập đoàn Cơ khí Sway (Na Uy), dự án của Liên minh châu Âu và dự án hợp tác giữa các công ty của Đan Mạch và Mỹ. Các dự án này đều thiết kế tuốc bin có công suất phát điện từ 8-10 MW, dự kiến sẽ được trình làng trong 3 năm tới.
Các tuốc bin gió phổ biến hiện nay có công suất khoảng 3 MW.
Thị trường điện gió sẽ tăng hàng trăm tỉ USD/năm
Như vậy, chỉ cần vài trăm tuốc bin gió cỡ lớn là có thể đạt được công suất của một nhà máy điện cỡ vừa. Kích cỡ là nhược điểm lớn nhất của tuốc bin gió. Theo tính toán, chiều dài cánh quạt các tuốc bin gió truyền thống cứ tăng gấp đôi sẽ sản sinh một lượng điện năng gấp 4 lần nhưng trọng lượng của chúng sẽ tăng gấp 8 và chi phí sẽ tăng theo bội số của 8.
Năng lượng gió ngoài khơi đang được coi là nguồn năng lượng tái sinh của tương lai bởi gió là vô tận, việc vận chuyển các cỗ máy khổng lồ dễ dàng hơn trong đất liền và các dự án nhà máy điện ít bị người dân phản đối. Thị trường điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ tăng trưởng với giá trị hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Năm ngoái, Hiệp hội Điện gió châu Âu dự đoán châu lục này sẽ tăng lượng điện gió ngoài khơi từ dưới 2 GW hiện nay lên 150 GW vào năm 2030.
Năm 2008, Anh đã vượt Đan Mạch để trở thành quốc gia sản xuất điện gió lớn nhất thế giới với 330 tuốc bin đang hoạt động. Anh cũng là quốc gia tham vọng nhất trong lĩnh vực này, sau khi cam kết đưa tổng lượng điện gió ngoài khơi lên 12 GW vào năm 2012. John Sauven, Giám đốc tổ chức Greenpeace tại Anh, cho rằng điều tối quan trọng là Chính phủ Anh không cản trở các dự án điện gió ngoài khơi bằng cách cắt giảm ngân sách, trong khi mọi nguồn năng lượng phụ thuộc vào điều này.
(Theo Lê Ân // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com