Mỗi loài sinh vật thuộc danh mục được ưu tiên bảo vệ sẽ được bảo tồn thông qua 1 chương trình bảo tồn riêng và được giao cho 1 cơ quan chịu trách nhiệm về công tác bảo tồn loài đó.
Vườn quốc gia Cúc Phương - 1 khu bảo tồn thiên nhiên |
Loài động vật, thực vật hoang dã; giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm được xác định là loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc Danh mục được ưu tiên bảo vệ là loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; đặc hữu hoặc có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử.
Với các loài được ưu tiên bảo vệ, phải tiến hành điều tra, kiểm kê số lượng và đánh giá tình trạng nơi sinh sống định kỳ 5 năm 1 lần để có kế hoạch bảo vệ phù hợp; đồng thời khoanh vùng lập dự án thành lập khu bảo tồn đối với nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng.
Nếu loài được ưu tiên bảo vệ mất nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa thì được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. UBND cấp tỉnh là cơ quan có quyền chấp thuận việc đưa loài được ưu tiên bảo vệ từ môi trường tự nhiên về nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả từ cơ sở cứu hộ ra nơi sinh sống tự nhiên của chúng.
Đây là một trong những nội dung của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 30/7/2010.
Phân cấp khu bảo tồn
Theo Nghị định, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia là các khu bảo tồn đáp ứng các tiêu chí như: Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên; là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục; có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.
Các khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh đều có 1 tiêu chí xác định chung là có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, mỗi khu có 1 tiêu chí riêng, cụ thể, khu dự trữ thiên nhiên phải có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với địa phương, hệ sinh thái đặc thù hoặc đại diện cho các hệ sinh thái của địa phương đó; hay như khu bảo tồn loài - sinh cảnh là nơi sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã thuộc Danh mục cấm khai thác ngoài tự nhiên, nơi sinh sản, tránh rét của các loài di cư; còn khu bảo vệ cảnh quan lại có cảnh quan môi trường, nét đẹp, độc đáo của thiên nhiên nhưng không đáp ứng các tiêu chí thành lập khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia.
Nghị định nêu rõ, hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn có nghĩa vụ bảo vệ rừng, đồng thời được ưu tiên khai thác đất, mặt nước, rừng phục vụ canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; được ưu tiên lập dự án khai thác khu bảo tồn phục vụ du lịch sinh thái và các hoạt động dịch vụ khác không trái với quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn được ưu tiên tuyển dụng, tham gia quản lý khu bảo tồn; được chia sẻ lợi ích từ các hoạt động kinh doanh du lịch, khai thác nguồn lợi, các dự án hỗ trợ khu bảo tồn, từ việc tiếp cận nguồn gen trong khu bảo tồn và các lợi ích khác theo quy định của pháp luật.
(Theo Minh Hùng // Tin Chính phủ // Nghị định 65/2010/NĐ-CP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com