Ngày 13/1, các nhà khoa học đã giải mã được bộ gen đậu tương. Đây là kết quả nghiên cứu kéo dài 15 năm của 18 tổ chức, hầu hết là của Mỹ. Thông cáo báo chí của Bộ Nông nghiệp Mỹ đăng trên tạp chí khoa học "Tự nhiên" cho biết sau khi giải mã 85% trong số 1,1 tỷ cặp cơ bản trong cấu trúc gen của đậu tương, các nhà khoa học đã xác định được 46.000 gen, trong đó có các gen cơ bản liên quan đến quá trình chuyển hóa nước, ánh sáng Mặt Trời, khí điôxít cácbon (CO2), nitrôgien và chất khoáng thành năng lượng và protein.
Đáng chú ý nhất là phát hiện về gen kháng bệnh gỉ sắt châu Á, một loại bệnh thường phá hoại tới 80% vụ mùa. Phát hiện quan trọng thứ hai liên quan đến triển vọng sản xuất dầu sinh học từ đậu tương.
Bà Molly Jahn, quan chức Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết kết quả giải mã bộ gen đậu tương sẽ giúp con người hiểu biết sâu sắc hơn, từ đó tìm ra các biện pháp nâng cao sản lượng và khả năng phòng bệnh cho loại cây nằm trong nhóm cây lương thực quan trọng nhất của thế giới này.
Trước đó, các nhà khoa học đã giải mã bộ gen gạo, ngô và nho./.