Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thăm khu sản xuất giống của Công ty CP Phát triển và đầu tư Nhiệt Đới. |
Hiếm có dự án nào dù nhận được sự đồng thuận cao mà lại lận đận như Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM. Chủ trương đã có từ đầu những năm 2000, địa điểm đã được chọn, nhưng vào giờ chót (sau khi đã mất vài năm khảo sát, đánh giá và làm thủ tục) địa điểm lại bị thay đổi, từ quận 12 lên huyện Củ Chi, để có điều kiện mở rộng diện tích. Và mọi việc phải làm lại từ đầu. Nhưng đó mới chỉ là phần thủ tục đất đai, xây dựng…
Do trượt giá, dự toán phải điều chỉnh nhiều lần nên thời gian triển khai dự án càng kéo dài. Không những vậy, do lần đầu tiên Việt Nam có khu NNCNC nên mọi việc đều phải mày mò tìm hiểu, đặc biệt là việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan sao cho phù hợp, tạo được sự an tâm cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Dù công việc xây dựng hạ tầng còn ngổn ngang, phần xây dựng cơ bản chưa xong, vẫn có 16 nhà đầu tư đăng ký thuê mặt bằng ở khu NNCNC để sản xuất. Ban quản lý (BQL) đã xem xét và thông qua 5 dự án của 5 nhà đầu tư đăng ký thuê 28ha/56ha đất đã quy hoạch xây dựng nhà xưởng. Có thể kể đến Công ty Nông nghiệp Chánh Phong với dự án đầu tư sản xuất giống rau F1, Công ty cổ phần Trái Đất Tươi Xanh với dự án sản xuất rau hữu cơ sinh thái theo kỹ thuật mới nhất, Công ty TNHH SXTM Việt Quốc Thịnh với dự án sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp và xây dựng điểm trình diễn rau an toàn.
Đi đầu trong việc mạnh dạn đầu tư phải kể đến Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư Nhiệt Đới với dự án nghiên cứu và lai tạo các giống rau ăn lá và ăn quả trên diện tích thuê lên đến 20ha. Ngoài dự án trên, công ty còn ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp.
Tổng vốn của các nhà đầu tư vào Khu NNCNC đã trên 224 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư Nhiệt Đới đầu tư 204 tỷ đồng. Công ty CP Phát triển và đầu tư Nhiệt Đới, song song với việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và thuê đất đã kiến nghị TP được sản xuất trước. Được BQL tạm giao đất, công ty đã và đang xây dựng nhà kín đồng thời trồng các giống cây ngắn ngày như rau ăn lá, mướp, bí đao, dưa leo, cà chua… lấy hạt làm giống, cung cấp giống cây chất lượng cao cho TPHCM, các tỉnh phía Nam, kể cả một số tỉnh phía Bắc. Thực tế này đã phá tan sự lo lắng của không ít người về việc Khu NNCNC khó thu hút được nhà đầu tư.
Theo ông Trần Phước Dũng, Giám đốc BQL Khu NNCNC, hiện BQL đang tiếp tục xem xét hồ sơ của 2 nhà đầu tư. Đó là 2 dự án của Công ty TNHH Long Đỉnh với dự án sản xuất lan và Công ty TNHH TM Đan Nguyễn với dự án sản xuất rau sạch.
Theo ông Dũng, nếu tính hết số diện tích mà các nhà đầu tư đã đăng ký thì phần đất còn lại của Khu NNCNC không đáp ứng đủ. Ngay cả Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư Nhiệt Đới cũng cho biết, nếu được đồng ý, công ty sẽ thuê dài hạn tất cả phần diện tích còn lại của Khu NNCNC để đầu tư sản xuất giống các loại cây trồng.
Mới đây, trong chuyến đi thực tế và làm việc với BQL Khu NNCNC TP (huyện Củ Chi), Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo, để Khu NNCNC có thể chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9 tới, các sở ngành và nhất là BQL cần sớm hoàn thành các hạng mục về đường, điện, nước để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư. Khu NNCNC và nhà đầu tư cần phải chú ý đến việc gắn kết với bà con nông dân tại chỗ, cung cấp giống chất lượng tốt với giá vừa phải, chú ý hoạt động tập huấn và áp dụng công nghệ cao trong việc sản xuất giống các loại. Đó mới là ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng Khu NNCNC.
Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo huyện Củ Chi và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) cần sớm hình thành thêm 2-3 khu NNCNC mới.
(Theo SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com