Lập nhà máy điện mặt trời trên quỹ đạo rồi dùng tia laser hoặc sóng vi ba truyền điện về trái đất. Nghe như chuyện khoa học viễn tưởng nhưng đó là mục tiêu nghiêm túc của Cơ quan Không gian Nhật Bản (JAXA). Dự kiến đến năm 2030 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động.
Do có ít tài nguyên năng lượng, phải phụ thuộc lớn vào dầu mỏ nhập khẩu, Nhật Bản từ lâu đã đi đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo. Theo kế hoạch táo bạo mới nhất này, có tên “Hệ thống điện mặt trời trong không gian” (SSPS), các panel quang điện có diện tích vài kilômét vuông sẽ được “treo” lơ lửng trên quỹ đạo địa tĩnh (cách đường xích đạo trái đất gần 36.000km) để thu ánh sáng mặt trời, vốn thừa thãi trong không gian và mạnh hơn trên trái đất ít nhất 5 lần.
Nhà máy trong không gian truyền điện về trái đất bằng tia laser hoặc sóng vi ba. |
Điện sản xuất ra sẽ được truyền về trái đất bằng các chùm tia laser hoặc sóng vi ba (microwave). Nơi nhận trên trái đất sẽ là các ăng ten parabol khổng lồ, có thể đặt tại những khu vực dành riêng trên biển hoặc trên các hồ nước nhân tạo – phát ngôn viên JAXA Tadashige Takiya cho biết.
Theo Koji Umehara, Phó giám đốc ban khai thác và phát triển không gian thuộc Bộ Khoa học Nhật Bản, dự án đầy tham vọng này trị giá ít nhất 2.000 tỷ yên (21 tỷ USD), với các thách thức rất lớn, bao gồm việc đưa các thành phần lên không gian để lắp ráp nhà máy. Chỉ việc phóng một tên lửa đã tốn khoảng 10 tỷ yên. Nhật Bản đã theo đuổi dự án từ năm 1998, với khoảng 130 nhà nghiên cứu làm việc dưới sự giám sát của JAXA.
Mới tháng rồi, Bộ Kinh tế và Thương mại cùng Bộ Khoa học Nhật Bản đã chọn một số nhà khổng lồ công nghệ Nhật Bản để giao trách nhiệm hiện thực hóa dự án năng lượng sạch và vô tận này. Viện nghiên cứu này có tên tắt là USEF, gồm 16 công ty, trong đó có nhiều đại gia như Mitsubishi, NEC, Fujitsu, Sharp...
Các nhà nghiên cứu đang nhắm đến một hệ thống công suất 1 gigawatt (tương đương một nhà máy điện hạt nhân cỡ trung bình), có thể sản xuất điện với giá chỉ bằng 1/6 giá điện hiện nay ở Nhật Bản.
Theo Tatsuhito Fujita, một nhà nghiên cứu thuộc JAXA lãnh đạo nhóm dự án, đến năm 2015 sẽ phóng lên quỹ đạo thấp một vệ tinh dùng kiểm tra việc truyền sóng vi ba. Bước tiếp theo, dự kiến khoảng năm 2020, sẽ thử nghiệm một cấu trúc quang điện lớn và linh hoạt, công suất 10 megawatt, trước khi khởi động nhà máy 250 megawatt. Việc thử nghiệm này sẽ giúp đánh giá khả năng tài chính của dự án. Mục đích cuối cùng là sản xuất điện giá rẻ, đủ cạnh tranh với điện sản xuất từ các nguồn năng lượng thay thế khác.
Theo JAXA, công nghệ truyền điện bằng tia laser hay sóng vi ba này an toàn nhưng cần phải thuyết phục công chúng, vốn vẫn nghĩ rằng các chùm tia laser từ trên trời có thể... nướng chín chim hoặc cắt lìa máy bay trong không trung.
(Theo SGGP Online / AFP, Bloomberg, USEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com