Nếu như nuôi cá được xem như giải pháp giảm thiểu lượng cá đánh bắt tự nhiên thì bản thân việc nuôi cá cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của một số loài cá trong tự nhiên.
Năm 2010 là năm đầu tiên trong lịch sử mà lượng tôm cá nuôi sẽ nhiều hơn lượng tôm cá đánh bắt. Làm sao có đủ thức ăn cho tôm cá nuôi, khi trữ lượng tôm cá của các đại dương giảm rất nhanh? Đó là một vấn đề khó giải quyết.
Nhiều năm nay, các chuyên gia tranh cãi về chỉ số FIFO (hay fish in/fish out), tức là tương quan giữa lượng bột cá phải dùng để sản xuất 1kg cá nuôi. Những người chủ trương bảo vệ triệt để môi trường thường cho rằng cần đến 5kg bột cá để sản xuất 1kg cá hồi. Đối với Tổ chức quốc tế của các nhà sản xuất bột và dầu cá (IFFO), tỷ lệ đó là quá cường điệu, vì không tính đến các tiến bộ trong đa dạng hoá thức ăn nuôi cá. Và họ đưa ra chỉ số FIFO thấp hơn 1,7! Nhưng theo ông Sadasivam Kaushik, thuộc viện nghiên cứu Nông học quốc gia (INRA, Pháp), chỉ số FIFO thực ra là hơn 3 và “thuỷ canh vẫn là phương tiện hiệu quả nhất để sản xuất đạm động vật”. Thức ăn dùng để nuôi cá hồi chứa 30 – 50% bột cá. Và vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể giảm tối đa tỷ lệ bột cá trong thức ăn của cá nuôi, vì rõ ràng là không thể tăng thêm lượng cá đánh bắt từ các đại dương để chế biến thành bột cá, mà không đe doạ sự trường tồn của nhiều loại cá.
Từ vài năm nay, các phòng thí nghiệm của INRA đã nghiên cứu việc cho cá hương ăn bột chế biến từ đậu nành, bắp, đậu răng ngựa… Kết quả cho thấy nếu tỷ lệ bột cá trong thức ăn là từ 10% trở lên, thì cá ăn bình thường. Nhưng nếu tỷ lệ này thấp hơn 10%, thì cá sẽ biếng ăn. Và cá sẽ ngừng ăn nếu thực đơn chỉ chứa toàn thực vật. Chuyên gia của INRA, ông François Médale băn khoăn: “Chúng tôi chưa hiểu tại sao. Hoặc là do vấn đề khẩu vị, nhưng tại sao một động vật lại không theo bản năng sinh tồn, và thà chết còn hơn là ăn thứ mà nó không thích. Hoặc là vì cơ thể của cá không hấp thụ được thức ăn gồm toàn thực vật”.
Một vấn đề khác: nếu cá ăn quá nhiều “đồ chay” thì sẽ có ít chất omega 3 hơn, mà chất này người tiêu dùng hiện rất ham mê vì được quảng cáo rầm rộ là rất tốt cho sức khoẻ. Để tăng chất omega, một số nhà nghiên cứu nghĩ đến việc thay bột cá bằng các thứ rong cực nhỏ vốn giàu chất này. Một giải pháp khác là dùng các loại tôm cực nhỏ (krill) cũng giàu omega–3. Rất dồi dào ở các vùng biển nước lạnh gần Nam Cực và Bắc Cực, các loại krill có trữ lượng lên đến 650 triệu tấn. Theo GS Philippe Cury, thuộc viện Nghiên cứu vì phát triển (IRD, Pháp), do các loại tôm cực nhỏ này đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi thức ăn của các đại dương, nên việc ồ ạt khai thác chúng, như người ta đã bắt đầu làm, có thể sẽ đe doạ nghiêm trong cân bằng của hệ động vật biển.
( Theo NGUYÊN THANH (LE MONDE) // Báo Sài gòn tiếp thị Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com