Theo Tiến sĩ Đặng Đình Thống, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mới thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong 5 năm trở lại đây, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và đầu tư cho nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ đã đầu tư xây dựng 100 hệ thống điện mặt trời gia đình và 200 hệ thống điện mặt trời cộng đồng cho cư dân ở các vùng đảo Đông Bắc với tổng công suất là 25kWp; và 400 hệ thống pin mặt trời gia đình do Mỹ tài trợ được triển khai cho cộng đồng ở Tiền Giang và Trà Vinh với tổng công suất 14kWp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Năng lượng, số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn; tỷ trọng điện tái tạo trong tổng sản lượng điện sản xuất là không đáng kể, từ 3,13% năm 2002 giảm xuống còn 2,35% năm 2004. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng gió tốt nhất vùng Đông Nam Á nhưng chưa có sự đầu tư phát triển tưng xứng. Với điện mặt trời, Việt Nam đã phát triển nguồn năng lượng này từ những năm 1960 song cho tới nay vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Việt Nam hiện có trên 100 trạm quan trắc trên toàn quốc để theo dõi dữ liệu về năng lượng mặt trời. Tính trung bình toàn quốc thì năng lượng bức xạ mặt trời là 4 đến 5kWh/m2 mỗi ngày. Tuy nhiên, do giá thành còn cao, 8.000 đồng cho 1kWh, nên điện mặt trời chưa được dùng rộng rãi. Hiện mới chỉ có 5 hệ thống điện mặt trời lớn, trong đó có hệ thống ở Gia Lai với tổng công suất 100 kWp. Theo Viện Năng lượng, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua đã khiến cho nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm. Các chuyên gia năng lượng dự báo, đến trước năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 12 đến 20%, đến năm 2050 lên đến 50 đến 60%.
(theo TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com