Những tua-bin điện gió đầu tiênđược xây dựng tại Tuy Phong. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng cao, cần tìm ra những nguồn năng lượng mới để bổ sung cho thủy điện, nhiệt điện. Với lợi thế đường bờ biển dài, quanh năm lộng gió, nước ta có thể phát triển mạnh ngành công nghiệp điện gió (còn gọi là phong điện). Tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, những tua-bin của ngành công nghiệp điện gió đã hoạt động, đóng góp vào lưới điện quốc gia. Ðây là mô hình đầu tiên ở nước ta về phong điện.
Tiềm năng và ước mơ
Trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn đi qua xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, du khách có thể nhìn thấy năm cánh quạt gió khổng lồ đang quay hằng ngày. Mỗi tua-bin như một người khổng lồ đang làm ra những điều kỳ diệu trên mảnh đất chỉ có nắng, gió và đá sỏi. Ðây là những tua-bin thuộc Nhà máy phong điện 1 do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam làm chủ đầu tư. Vùng đất khô cằn trước đây nay đã trở thành vị trí đắc địa để phát triển phong điện. Tốc độ gió tại đây ở độ cao trên 80 mét quanh năm luôn ở mức khoảng hơn 6 m/giây nên hết sức thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin điện gió. Chính vì thế sau khi đi khảo sát thực địa, Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam quyết định đặt ở đây Nhà máy phong điện 1 với công suất 120 MW. Ngay sau khi biết được chủ trương, các cấp chính quyền địa phương tại Tuy Phong đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Ông Hàn Ðắc Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết: Khi làm việc với nhà đầu tư, Tuy Phong cũng thêm một số thông tin. Ðây là dự án năng lượng sạch, khai thác được lợi thế năng lương gió trên địa bàn, sản xuất thêm một lượng điện để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Vấn đề là Tuy Phong cần tạo những điều kiện thuận lợi, tức là giải quyết nhanh chóng về thủ tục hành chính, thu hồi đất, giao đất, nhằm tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai.
Hiện dự án đã đưa vào sử dụng năm tua-bin, công suất là 7,5 MW. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ phát triển thêm 15 trụ, nâng tổng công suất lên 30 MW. Mỗi một trụ tua-bin quạt gió cao 85 m, đường kính gốc là 4 m2, ngọn là 2,95 m. Tua-bin gồm ba cánh quạt, mỗi cánh dài 37,5 m, đường tròn ngoại tuyến ba cánh quạt là 77 m. Khi có gió lớn hơn 3,5 m/giây, các cánh quạt sẽ quay và sinh ra điện. Các cánh quạt cũng sẽ ngừng hoạt động khi có gió lớn hơn 21 m/giây. Sức chịu đựng của các cánh quạt tua-bin này có thể chịu được ở mức 54 m/giây, tức là ở mức siêu bão cấp 18, 19. Khi hoạt động, công suất trung bình của mỗi tua-bin sẽ là 1,5 MW. Nhìn những cánh quạt gió quay trong nắng gió, huyện Tuy Phong đã nghĩ ngay đến một tiềm năng khác có thể được khai thác rất hiệu quả trong nay mai.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 12 dự án về phong điện của 10 tập đoàn trong và ngoài nước đăng ký đầu tư. Tỉnh đã chấp thuận cho sáu nhà đầu tư nghiên cứu để phát triển điện gió. Tại đảo Phú Quý, Bộ Công thương cũng đã giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển dự án Nhà máy điện gió với công suất 6 MW, chủ yếu để phục vụ trên đảo. Với tiềm năng lợi thế lớn về điện gió, cộng với việc những nơi có gió to chủ yếu là vùng hoang hóa nên việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa cũng dễ dàng hơn những nơi khác. Ðó chính là yếu tố thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Cùng với những thuận lợi thì việc đầu tư phát triển điện gió tại Bình Thuận lại gặp phải những vấn đề khó khăn khác. Ðó là trong số diện tích đất sử dụng để phát triển phong điện của 12 dự án thì có tới gần 90% là có ti-tan ở phía dưới. Dự kiến đến cuối năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới kết luận về trữ lượng và phương hướng khai thác ti-tan ở Bình Thuận, từ đó Chính phủ mới đưa ra quyết định cụ thể.
Cơ chế giá
Theo Công ty cổ phần tái tạo năng lượng Việt Nam thì giá bán điện làm từ gió phải là 13 cent (khoảng 2.975 đồng/kWh) thì mới có lời, trong đó giá chính thức bán cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam là chín cent, còn lại Nhà nước trợ giá bốn cent/kWh. Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam cho biết, công suất đầu tư cho một MW điện gió có giá từ 2 đến 2,5 triệu ơ-rô, lại sử dụng công nghệ, thiết bị hoàn toàn phải nhập khẩu từ tập đoàn Fuhrlaender AG của Ðức, nên giá bán trên là hợp lý và không thể giảm được. Tuy nhiên, phía Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam vẫn không đồng ý, vì cho rằng giá mua như trên là quá cao, vượt quá khả năng của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Hiện Tập đoàn điện lực vẫn bán điện thương phẩm với giá sáu cent/kWh. Chính vì những khúc mắc giữa các bên mua và bán nên hoạt động của Nhà máy phong điện 1 tại Tuy Phong tuy đã kết nối vào lưới điện quốc gia và phát khoảng hơn 11 triệu kWh điện, nhưng vẫn là hoạt động cầm chừng. Số tua-bin quạt gió và những phụ kiện khác của 15 trụ quạt gió đã tập kết đủ tại nhà máy nhưng vẫn chưa lắp đặt vì những khúc mắc trên.
Ông Hồ Sơn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận nói: Theo quy hoạch, từ nay đến 2015 sẽ phát triển hơn 1.000 MW, góp phần tạo ra một phần năng lượng sạch. Song cũng còn những vướng mắc về cơ chế chính sách và cách xử lý chồng lấn quy hoạch ti-tan. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cần có một cơ chế giá cho phù hợp để khuyến khích đầu tư năng lượng sạch.
Ước tính, tiềm năng điện gió tại Việt Nam khoảng 500 nghìn MW/ năm; riêng Bình Thuận, khoảng 5.000 MW/năm. Ðể phong điện tại Bình Thuận phát triển, đóng góp vào việc giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ những khúc mắc, những rào cản như đã nêu trên, trong khi thủy điện, nhiệt điện đang khai thác hết tiềm năng. Chính vì thế, việc tập trung phát triển các nguồn năng lượng mới như phong điện là hết sức cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Bản, chuyên viên cao cấp về lĩnh vực năng lượng sạch: "Việt Nam cần tận dụng triệt để các cơ hội để phát triển điện gió. Trước mắt, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần sớm duyệt khung pháp lý, khung giá điện và cấp kinh phí để khôi phục, xây mới những nhà máy điện gió được đánh giá khả quan nếu tiến hành khai thác". |
Căn cứ kết quả khảo sát chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng gió rất lớn, với tổng mức đạt 513.360 MW, gấp 200 lần công suất Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam vào năm 2020. Hiện Bình Thuận đang dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút phát triển các dự án phong điện. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký 12 dự án trong lĩnh vực này với tổng công suất hơn 2.000 MW. |
(Theo KHÁNH HIỆP // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com