Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định công nghệ sinh học luôn được ưu tiên hàng đầu trong phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp.
Những lĩnh vực được tập trung đầu tư phát triển bao gồm nhân giống cây trồng, vật nuôi chất lượng và năng suất cao; sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, vắc xin phòng bệnh; phát triển công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, rừng và biển; tiến hành các nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường sinh thái như chống sa mạc hóa, suy thoái và sạt lở đất.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng ngày 16/9 xung quanh định hướng phát triển công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, dù phát triển muộn, song công nghệ sinh học đã góp phần mang lại nhiều thành tựu cho nông nghiệp Việt Nam.
Năng suất và chất lượng cao đã đưa nông thuỷ sản đã trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước với những mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, gạo, tôm, cá da trơn luôn đứng trong nhóm xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Công nghệ sinh học nông nghiệp đã được áp dụng rộng rãi ở các địa phương với gần 70% số tỉnh, thành phố trong cả nước có phòng nuôi cấy mô và tế bào, nhiều nông dân đã tiếp cận và làm chủ công nghệ vi sinh, sản xuất thức ăn gia súc, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế, trong đó “yếu kém lớn nhất là nguồn nhân lực.” Vì thế, trong thời gian tới, những chính sách đặc thù sẽ được áp dụng trong đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ mở rộng hợp tác quốc tế để tăng nguồn lực đầu tư và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Hiện nay, dù đã được tăng từ 10-15% mỗi năm, nhưng mức đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,1% GDP (khoảng 60 triệu USD/năm). Đây là mức thấp trong khu vực ASEAN, chỉ bằng khoảng 1/4 mức đầu tư của Philippines, 1/7 mức của Malaysia.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để thực hiện mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng 3,5%/năm, giảm tỷ lệ lao động nông thôn xuống dưới 50%, nâng thu nhập nông dân gấp 2,5 lần hiện nay vào năm 2020, cần tăng đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp lên mức 0,3%-0,5% GDP.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế thông thoáng hơn để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp như cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia tuyển chọn dự án nghiên cứu, nhà khoa học được chuyển nhượng bản quyền các sản phẩm tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước, thí điểm khoán đề tài nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng.
( Theo TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com