Trong chuyến quay phim lâu nhất bên dưới một dải băng khổng lồ ở Nam Cực, nhóm thám hiểm thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một sinh vật giống tôm và một loài sứa. Điều đáng ngạc nhiên là các sinh vật này tồn tại ở độ sâu... 600 foot (183m) bên dưới lớp băng, nơi ánh sáng mặt trời không thể rọi đến.
Tại Hội nghị Hội Địa vật lý Mỹ (AGU) giữa tháng 3-2010, nhà khoa học NASA Robert Bindschadler đã trình bày những video clip quay được và cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ vì đã giả định rằng không có sinh vật nào tồn tại ở đó. Đó là một loài tôm mà bạn sẽ muốn thưởng thức trên đĩa ăn của mình”.
Một sinh vật giống tôm (màu cam) lượn quanh sợi cáp camera. Ảnh: AP
Trong video clip dài khoảng 2 phút (có thể xem tại địa chỉ www.nasa.gov/topics/earth/features/antarctic-shrimp.html), có thể thấy một sinh vật giống tôm, màu cam, dài chừng 7,5cm, tò mò bơi theo rồi “đùa giỡn” quanh sợi cáp của máy quay phim. Chính xác thì sinh vật này không phải tôm, nó là loài giáp xác Lyssianasid, một bà con xa của tôm. Các nhà khoa học cũng kéo lên một xúc tu được cho là từ một loài sứa chân dài.
Khám phá bất ngờ này đã làm các nhà khoa học phải suy nghĩ lại về những gì họ đã biết về sự sống bậc cao có thể phát triển trong những môi trường khắc nghiệt. Và nếu giống tôm này có thể nhởn nhơ trong làn nước cực lạnh ở độ sâu gần 200m dưới lớp băng Nam Cực, vậy ở những môi trường khắc nghiệt khác có thể tồn tại những sinh vật nào đó? Như trên Europa, một mặt trăng đóng băng của sao Mộc?
Dưới lớp băng Nam Cực này còn nhiều bí ẩn sự sống chưa được khám phá. Ảnh: NASA
Nhà vi sinh vật học Cynan Ellis-Evans thuộc Tổ chức khảo sát Nam Cực của Anh cho rằng phát hiện trên là hết sức thú vị. Theo ông, đây là phát hiện đầu tiên có sinh vật tồn tại trong môi trường cực lạnh ở vùng băng giá. Ellis-Evans cho rằng có thể những sinh vật này bơi từ xa đến và không sống thường xuyên ở đó.
Nhưng Kim Stacy, một nhà nghiên cứu trong nhóm, lại nghi ngờ. Địa điểm phát hiện ở phía Tây Nam Cực, cách vùng biển khơi ít nhất 20km. Bindschadler đã khoan xuống băng một lỗ rộng 20cm và thấy một ít nước. Điều này cho thấy hai sinh vật không thể bơi đến từ rất xa rồi vô tình bị nhốt trong khu vực này.
Tuy vậy các nhà khoa học vẫn chưa biết những sinh vật kể trên lấy nguồn thức ăn từ đâu. Làm cách nào chúng tồn tại được ở độ sâu như thế? Đó là câu hỏi rất quan trọng. Kim Stacy cho biết: “Thật tuyệt vời khi có một câu đố lớn như thế trên một hành tinh mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã biết tất cả”.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com